Yemen: Nguy cơ một “cuộc chiến tranh mở rộng” trong khu vực

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc không kích mở đầu cho một chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh khu vực vùng vịnh, do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào phiến quân Houthi tại Yemen bước sang ngày thứ 3.
Yemen: Nguy cơ một “cuộc chiến tranh mở rộng” trong khu vực
Người dân Yemen chạy loạn

Vụ tấn công diễn ra ngay sau khi đại sứ Saudi Arabia ở Washington, Adel al-Jubeir, thông báo hành động quân sự. Ông Adel al-Jubeir nói hành động của Saudi là “nhằm bảo vệ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi”.

Reuters hôm thứ năm dẫn nguồn từ cư dân và một quan chức địa phương nói, từ sáng sớm, nhiều máy bay chiến đấu đã tới tấp tấn công sân bay và căn cứ không quân al Dulaimi ở thủ đô Sanaa.

Các cuộc không kích đã làm rung chuyển toàn bộ các khu vực dân cư, khiến nhiều người dân hoảng sợ. Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, đã có nhiều người thiệt mạng trong chiến dịch không kích. Giao tranh ác liệt đã buộc Tổng thống Yemen Hadi phải rời thành phố Aden để chạy tới thủ đô Riyadh, Saudi Arabia để lánh nạn.

Nhằm đẩy mạnh chiến dịch,  các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong Liên đoàn A rập cũng đã nhất trí trình dự thảo nghị quyết về việc thành lập một lực lượng quân sự chung của thế giới Arab lên Hội nghị thượng đỉnh Arab dự kiến khai mạc ngày mai (28/3) tại Ai Cập.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil El Araby nói: “Liên đoàn Arab có một đạo quân sẵn sàng chiến đấu. Đây là lần đầu tiên sẽ có một đạo quân được thiết lập chung giữa các quốc gia Arab. Các lực lượng Arabủng hộ chính thể hợp pháp tại Yemen và sẵn sàng khôi phục lại tính hợp hiến của Yemen”.

Theo đánh giá của giới phân tích, điều đáng quan ngại trong cuộc chiến tại Yemen lần này chính là sự can thiệp của các lực lượng do Saudi Arabia dẫn đầu, phản ánh sự gia tăng mạnh khủng hoảng sắc tộc tại Yemen, giữa một bên là lực lượng phiến quân hồi giáo Houthi dòng Shi’ite được sự hậu thuẫn của Iran và một bên là lực lượng hồi giáo dòng Sunny của Tổng thống Hadi được sự hậu thuẫn của các nước Arab.

Bà Katherine Zimmerman, một nhà phân tích thuộc viện Kinh doanh Mỹ nhận xét: “Sự bùng phát xung đột tại Yemen, mặc dù chỉ là một cuộc xung đột mang tính địa phương song thực chất nó lại là một cuộc chiến sắc tộc lớn đang lan rộng tại khu vực Trung Đông. Cái mà chúng ta đang chứng kiến tại Yemen cũng là những gì chúng ta thấy ở cả Iraq và Syria. Lý do tại sao Yemen lại quan trọng như vậy vì về mặt lịch sử, Yemen không chỉ là một quốc gia sắc tộc và Iran có tầm ảnh hưởng đối với Yemen trong thời gian qua và ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều đó đặt ra những quan ngại cho các quốc gia dòng hồi giáo Sunny ở khu vực. ”

Những diễn biến tại Yemen đã khiến cộng đồng quốc tê không khỏi quan ngại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên và các nước thành viên kiềm chế các hành động gây nguy hại đến sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen. Ông Ban Ki-moon cũng  nhắc lại một Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  này 22/3 ủng hộ Tổng thống Hadi và kêu gọi các nước kiềm chế can thiệp từ bên ngoài nhằm tránh kích động xung đột, thay vào đó ủng hộ giải pháp chuyển tiếp chính trị.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian cũng cho biết, Iran không tham gia vào một cuộc chiến mang tính ủy nhiệm tại Yemen với Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi các bên tại Yemen nối lại đối thoại: “Chúng tôi chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của một đất nước, cho dù đó là Iran, Saudi Arabia hay Mỹ. Chúng tôi không tham gia vào một cuộc chiến mang tính ủy nhiệm với Saudi Arabia. Chúng tôi tin là các cuộc không kích nhằm vào Yemen là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia. Chúng tôi kêu gọi các bên tại Yemen quay lại tiến trình đàm phán dân tộc.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch tại Yemen, đồng thời nhấn mạnh cần chấm dứt thù địch để nhường chỗ cho các lựa chọn giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật