Ấn Độ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo Economic Times (Ấn Độ) ngày 26.3.2015, Ấn Độ đang chăm chú theo dõi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, gây ra lo ngại, vì các đảo này có thể chặn Ấn Độ tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Ấn Độ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở Trường Sa
Các cơ sở Trung Quốc đang xây ở Đá Gạc Ma chiếm của Việt Nam - Ảnh vệ tinh DigitalGlobe

Việc Trung Quốc ồ ạt xây các đảo nhân tạo trên các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đang làm thế giới lo ngại, Ấn Độ cho biết  đây là những căn cứ quân sự có thể cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng hải quân và không quân trên tuyến đường biển chiến lược mà Ấn Độ bắt buộc phải đi qua để tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như các dự án đầu tư năng lượng.

Ấn Độ nhiều lần tuyên bố rằng sự ổn định trong khu vực là cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế và khẳng định không nên sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.

"Chúng tôi kêu gọi các bên tránh việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và nên theo đuổi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế", một nguồn tin ngoại giao nói với Economic Times.

Ấn Độ đang gia tăng việc tham gia vào hoạt động kinh tế tại khu vực ASEAN, trong đó có việc đầu tư khai thác các lô dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Ấn Độ cũng đang gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp theo chuyến viếng thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến khu vực này hồi tháng 11.2014.

Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen cũng kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn nữa ở khu vực ASEAN, vì "Ấn Độ là một nước lớn và là nước có ảnh hưởng".

Sự hiện diện lớn hơn của Ấn Độ trong khu vực có thể hỗ trợ các quốc gia ASEAN trong việc đối phó với Trung Quốc khi nước này đang tìm cách chiếm lấy chủ quyền phần lớn Biển Đông. Một chương trình hợp tác mạnh mẽ sau năm 2015 giữa ASEAN và Ấn Độ, bao gồm hợp tác hàng hải sẽ giúp đạt được mục tiêu này, nguồn tin ngoại giao nói trên quả quyết với báo Economic Times.

Theo nguồn tin này, Án Độ có lợi thế với ASEAN là không có tranh chấp lãnh thổ với ASEAN, và sự hợp tác với ASEAN phù hợp chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Ấn Độ - ASEAN.

Mới đây một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ, yêu cầu có biện pháp chiến lược để ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ xây đảo của Trung Quốc tại Trường Sa.

Trong thư, các thượng nghị sĩ lưu ý rằng Mỹ cần quan tâm tình hình Biển Đông vì đó là an ninh của các đồng minh Mỹ ở châu Á, nơi lưu thông của hơn 5.000 tỉ USD hàng hóa từ dầu mỏ đến điện thoại iPhone qua lại hàng năm, và nguyên tắc của việc "giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình".

Trạm radar Trung Quốc mới xây ở Đá Su Bi chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa năm 2012. Nay Đá Su Bi đang được Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất để xây thành đảo nhân tạo - Ảnh: Không quân Philippines

Việc hút cát để xây đảo đang tiến hành ở 2 nơi tại phía tây nam Đá Su Bi với 4 tàu hút cát cùng hơn 12 tàu xây dựng khác - Ảnh vệ tinh DigitalGlobe

Theo báo Wall Street Journal ngày 25.3, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa thời gian qua nhằm biến nơi đây thành căn cứ quân sự cho máy bay, tàu chiến, bố trí radar và các khí tài khác. Hiện nay Đá Gạc Ma đã trở thành đảo nhân tạo rộng hơn 100.000 m2, Đá Tư Nghĩa đã mở rộng đủ lớn để chứa hai cầu cảng và nhà máy xi măng, Đá Ga Ven mở rộng đến 113.000 m2 và có cả sân đáp trực thăng cùng các ụ súng phòng không, Đá Chữ Thập mở rộng gấp 11 lần và có cả đường băng dài 3 km...


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật