Rủi ro và hậu quả của tên lửa đánh chặn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Càng gần đến thời điểm mà CHDCND Triều Tiên cho là sẽ phóng vệ tinh, tức là từ ngày 4 đến 8-4, không khí tại các ban tham mưu quân đội Mỹ cũng như Nhật Bản càng căng thẳng. Một câu hỏi hóc búa đang được đặt ra cho cả Washington lẫn Tokyo: đó là có nên bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng hay không?

Theo RFI, đây là một phương trình khá nan giải vì hậu quả của hành động bắn hạ này rất khó lường trong lúc kỹ thuật ngăn chặn tên lửa trên không chưa hoàn toàn bảo đảm. Dẫu sao thì Nhật Bản và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu lãnh thổ Nhật Bản bị đe dọa.

Vấn đề đặt ra đối với Nhật Bản là CHDCND Triều Tiên đã từng lên tiếng cảnh báo rằng mọi hành động nhằm ngăn chặn tên lửa của họ sẽ bị Bình Nhưỡng xem như là một hành vi gây chiến. Do đó, giới lãnh đạo quân đội Nhật Bản sẽ phải tính toán rất kỹ trước khi hành động.

Ngoài ra, dù đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong chương trình thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa, Nhật Bản chưa từng thử nghiệm khả năng này lần nào. Chính Ngoại trưởng Nhật Nakasone hôm 24-3 đã phải thú nhận khó khăn này.

Bài toán đau đầu cũng đang đặt ra cho chính Mỹ, đặc biệt là cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, người chịu trách nhiệm cuối cùng ban hành lệnh bắn hạ tên lửa CHDCND Triều Tiên khi cần thiết. Theo ông Bruce Bennett thuộc cơ quan nghiên cứu Rand, trụ sở ở California, chỉ sau khi phóng một thời gian ngắn, hướng đi của tên lửa sẽ được xác định, và khi ấy chính quyền Obama sẽ phải nhanh chóng quyết định ngăn chặn hay không.

Thế nhưng, đối với Mỹ, nếu bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Washington có nguy cơ phải đối phó với các biện pháp trả đũa của Bình Nhưỡng, đặc biệt là đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Theo trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên của Nhật Bản, ông Akitaka Saiki, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí rằng việc CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa, dù với bất kỳ lý do nào, cũng sẽ là hành động vi phạm các nghị quyết có liên quan của HĐBA LHQ.

Ba nước này đã tái khẳng định rằng họ sẽ lập tức đưa vấn đề này ra trước HĐBA LHQ ngay khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ bắn tên lửa. Tuy nhiên, Nga hoặc ít nhất là Trung Quốc, khó có thể bỏ phiếu thuận cho một nghị quyết của HĐBA LHQ nhằm lên án CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng đã cảnh báo nếu HĐBA LHQ ra nghị quyết lên án họ phóng vệ tinh thì mọi cuộc đàm phán về hạt nhân sẽ chấm dứt.

Công nghệ của hệ thống lá chắn chống tên lửa hiện chưa thể bảo đảm 100% vì chỉ mới qua vài cuộc thử nghiệm thành công lẫn thất bại.

Theo chuyên gia Bennett, thì kịch bản tồi tệ nhất là tên lửa do Mỹ bắn lên không thể ngăn chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Điều này sẽ gây tổn hại cho uy tín hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ, vào lúc Quốc hội Mỹ đang chỉ trích chi phí quá cao của việc thiết lập hệ thống này và Washington lại đang khuyến khích các đồng minh cùng tham gia.

  Truyền hình Nhật Bản công bố hình ảnh mới nhất về tên lửa của Triều Tiên

  Nhật sẽ ra lệnh quân đội sẵn sàng bắn tên lửa Triều Tiên

  Triều Tiên đã đặt tên lửa vào bệ phóng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật