Sinh viên tiêu tiền “khỏi phải nghĩ”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
H cuống cuồng gọi chị gái vào ngắm chiếc áo mới tậu về. “Hàng hiệu đấy, nhưng em mua được rẻ, hơn 300 thôi”. Chị gái chỉ kịp xuýt xoa vài câu vì cái áo mùa hè mà từng ấy tiền, rồi vội vàng gánh rau cho kịp chợ.
Sinh viên tiêu tiền “khỏi phải nghĩ”
Chỉ vì vung tay quá trán, tiêu kiểu "khỏi phải nghĩ" nên nhiều sinh viên trở nên túng bấn và tất nhiên họ cũng trở thành "khách quen" của các cửa hiệu cẩm đ

Vung tay quá trán

 

Đến trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật công nghiệp I, không ai không biết đến Hà - Nữ hoàng mua sắm.

 

Quê ở một huyện xa xôi của tỉnh Sơn La, năm 2007, H xuống Hà Nội, chị gái cũng theo về, ngày ngày bán rau nuôi em ăn học. Nhưng những gì mọi người chứng kiến thì đối lập hẳn với cuộc sống bộn bề lo toan đó: từ ăn uống đến mua sắm, H chỉ thích dùng hàng xịn, hàng độc.

 

“Bắt bệnh” cho H mới biết, cô có tính sĩ diện. Từ miền núi về thành phố học, nhưng thay vào việc chăm chỉ học hành, H luôn muốn thể hiện vẻ ngoài như một tiểu thư, càng không để ai biết hoàn cảnh của mình. Ngoài giờ học, H thường dạo quanh một số của hàng mua sắm trên phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch hay Nguyễn Lương Bằng... H cho biết: “Đi nhiều mới biết hàng xịn, hàng độc. Một tuần đi ba, bốn lần là chuyện bình thường”. Nhìn tủ quần áo của H với đầy đủ màu sắc, mẫu mã, đó là chưa kể đến hàng tá phụ kiện kèm theo: vòng, khăn, bông tai, giầy dép... không ít người đã phải giật mình.

 

Nổi lên từ một cuộc thi Miss của trường, Th - sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày càng chau chuốt cho vẻ bề ngoài và cách ứng xử của mình. Ăn mặc đẹp mọi lúc, mọi nơi, luôn tìm cách thay đổi hình ảnh, phụ kiện.... Nhưng ít người biết, đằng sau vẻ đẹp ấy là một gia đình bình thường, vật lộn với nắng gió miền Trung để chu cấp cho cô con gái rượu học xong Đại học.

 

Những tưởng thói quen ấy chỉ là bệnh của nữ giới, nào ngờ, Linh - học viên của một trung tâm đào tạo lập trình viên Hà Nội còn sành sỏi hơn. Vốn có cái vẻ bề ngoài khá bảnh trai, Linh biết tận dụng lợi thế của mình để “cưa” gái. Trong vòng chưa đầy một tháng, Linh đã tán đổ một em rất xì-tin. Và để thể hiện mình, lần nào đi chơi cậu cũng bao từ A đến Z, ngót nghét đến vài triệu.

Không cần kế hoạch chi tiêu

 

Trần Mạnh Tiến, cựu sinh viên ĐH Công Nghệ, ĐHQGHN, bồi hồi nhớ lại thời sinh viên của mình trôi qua cách đây 2 năm: “Ngày đó mẹ cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Con trai bọn mình không có thói quen tính toán tiêu pha mà cảm thấy cần gì tiêu nấy. Ngoài những khoản cố định như tiền nhà, điện, nước, còn lại nướng vào chơi game, nhậu nhẹt, cũng không mua sắm gì nhiều”.

 

Cũng giống Tiến, Đặng Sơn, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã quá quen với cách xoay vòng của mình : “ Đầu tháng chẳng khác gì ông vua con, mua sắm, tụ tập, chơi bời. Đến khoảng mùng 10, tiền nhà cho đã hết veo, lại bắt đầu đi vay nợ hay cầm đồ. Đều đặn, cuối  “tháng trường ca” mì tôm. Sang đầu tháng, có tiền thì xoay vào trả nợ và bắt đầu cuộc vui mới. Không chỉ mình mà cả xóm như thế, thành qui luật rồi nên cũng khó thay đổi. Hy vọng khi đi làm sẽ khác”, Sơn nói.

 

Tiêu tiền một cách vô tội vạ để rồi đồ đạc “đội nón” ra đi. Chị Lê Thị Thanh, chủ một cửa hiệu cầm đồ trên phố Tạ Quang Bửu cho hay: “Sinh viên đến cửa hàng của chị rất đông, nhất là vào cuối tháng. Họ cầm tất cả những thứ có thể cầm: thẻ sinh viên, chứng minh thư, máy tính, xe máy…. Cứ cuối tháng cầm, đầu tháng lấy. Nhiều bạn đã trở thành khách quen”.

 

Thật lạ, khi cuộc sống sinh viên xây lên nhiều mơ ước, hoài bão, nhưng việc lập kế hoạch chi tiêu lại không có trong dự định. Lý lẽ để bao biện, đó là việc phải hưởng thụ tuổi trẻ kẻo sau về già “phí”!
 

Trong nhà xe sinh viên, rất nhiều những chiếc xe đắt tiền

 

 

 Trong cuộc điều tra nhỏ với qui mô 200 phiếu, phát tại 5 trường : Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng,Đại học KHXH&NV, Đại học Lao động xã hội và Đại học Văn hóa, kết quả cho thấy :

 

      * 49,5% SV nhận hỗ trợ của gia đình từ 800.000 – 1.000.000/tháng, 8% SV nhận hỗ trợ trên 2.500.000/tháng

 

* 42,5% SV chủ yếu sử dụng tiền phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí

 

* 52% sinh viên không lập kế hoạch chi tiêu

 

* 28% sinh viên đi làm thêm, 72% còn lại phụ thuộc vào gia đình.

 

Trong đó: 59,5% số sinh viên có bố mẹ là nông dân và làm một số nghề thủ công khác, chỉ có 8% gia đình kinh doanh, buôn bán và 32,5% có bố mẹ là cán bộ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật