Đàn bà khổ lắm ai ơi!!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trót sinh ra mang kiếp đàn bà thì hình như luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, lo toan mọi việc trong cuộc sống gia đình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Phải chăng sinh ra làm đàn ông thì sướng hơn nhiều?
Đàn bà khổ lắm ai ơi!!
Ảnh minh họa

Từ lâu, nhiều người đã trăn trở về vấn đề ấy nhưng ai cũng suy nghĩ như thế thì đàn bà sinh ra trên đời để làm gì? Đất trời  sinh ra vạn vật vốn đã có tính giao hòa. Có âm, có dương, có giống đực thì cũng có giống cái. Và cuộc sống con người cũng vậy, có khổ đau thì cũng sẽ có hạnh phúc.

Nhưng có bất công không khi mà Thượng đế lại sinh ra Adam trước Eva, vì sợ Adam cô đơn nên Người tạo ra Eva từ dẻ sườn của Adam. Điều đó cho thấy đàn bà vừa mới sinh ra đã khổ, cái khổ đầu tiên gắn liền với một kiếp người.

Cái khổ từ xưa...

Quay về quá khứ một tý, đàn bà từ thuở xa xưa đi vào thơ văn đã mang nhiều đau khổ. Từ Kiều của Nguyễn Du phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, hai lần ra vào lầu xanh, làm lẽ Thúc Sinh và chịu sự ghen tuông, đanh đá của Hoạn Thư. Đến bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương cũng thân phận làm lẽ, lận đận đường tình duyên, cuộc đời gặp nhiều bất trắc... Không ngẫu nhiên mà hai câu thơ của Nguyễn Du được người đời nằm lòng mỗi khi nói đến số phận đàn bà; Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Không chỉ trong thơ văn mà ngoài xã hội còn rất nhiều cảnh đời và thân phận đau khổ như thế. Vậy chỗ đứng của đàn bà ở đâu trong khi cả cuộc đời họ luôn bị xã hội rình rập và lên án.

Có bất công chăng khi chưa ra đời đã bị xã hội "đóng đinh" cho những câu "con gái là con người ta", "Nuôi con gái trong nhà như quả bom nổ chậm"?... Tư tưởng đó làm cho những bà mẹ đang mang nặng đẻ đau cũng phải nơm nớp lo sợ. Nếu may mắn sinh con trai thì có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng không may lại là con gái thì hỡi ôi...

Tôi có người dì họ hàng ở quê, mấy năm nay chỉ sinh toàn "vịt giời". Mỗi lần siêu âm mà nghe phán... con gái thì ông chồng chỉ biết lặng lẽ ra ngoài châm thuốc "rít từng hơ‌i ca‌y", mặt buồn rười rượi. Lát sau chị vợ nước mắt ngắn dài lẽo đẽo bước theo sau. Không đơn giản thế, về đến nhà lại bị gia đình chồng hằn học, chì chiết vì tội mãi mà không cho họ một đứa nối dõi! "Thứ đàn bà không biết đẻ". Đàn bà khốn khổ thế đấy! Nhưng lỗi nào có phải do họ? Giáo lý "trọng nam khinh nữ" dường như đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam.

Đàn bà thời xưa suốt ngày chỉ biết đầu tắt mặt tối, lo toan mọi việc từ cơm nước, giặt giũ, cúng kính, đến chồng con, gia đình chồng, có khi lo luôn mấy thế hệ trong gia đình. Không còn thời gian đâu mà họ chăm chút cho nhan sắc nên nhanh chóng héo hon, tàn úa và trở thành một "người chị" bất đắc dĩ bên các ông chồng. Mà có chăm chút thì có được gì đâu, có được ai ngó ngàng tới, quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh với bốn bức tường. Nhưng họ nào có quyền lựa chọn? Trong khi đó các ông, các anh lại được tự do ra ngoài, ăn chơi, bù khú, nhậu nhẹt, vờn hoa, bắt bướm. Sướng còn hơn tiên!

Phận đàn bà chẳng hiểu sao lại bị o ép đến thế. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, họ ít có tiếng nói riêng, chỉ là một cái bóng bên chồng không hơn không kém. Có chồng như gông đeo cổ khổ đã đành, ngay khi sinh ra, phụ nữ cũng bị quan niệm "học lắm cũng lấy chồng". Thế là, con gái trong nhiều gia đình chỉ được học cho biết chữ, biết làm tính còn công việc chính vẫn là từ chuồng heo đến cái bếp, quanh năm suốt tháng chỉ biết thế thôi, tới tuổi lấy chồng có ai ưng thì gả cho là xong!

Đến nay

Đến ngày nay, phận đàn bà có gì khác? Họ đã được "làm người" đúng nghĩa, không còn bị "giam lỏng" quanh bốn bức tường. Họ đã có tiếng nói và chỗ đứng riêng. Họ cũng được làm việc, ra ngoài, giao lưu, tiếp khách và có vị trí xã hội ngang chồng thậm chí cao hơn. Phải nói rằng vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay rất đáng nể. Họ khiến nhiều người đàn ông phải bái phục và ngưỡng mộ. Họ chứng tỏ rằng mình không thua kém gì nam giới. Xinh đẹp, tài giỏi, thông minh, nổi tiếng và có sự nghiệp vững vàng. Họ không còn là cái bóng của các ông chồng mà họ đã là "người" bằng da bằng thịt.

Bên cạnh làm việc tốt ngoài xã hội, khi về nhà họ vẫn làm tròn bổn phận của... người đàn bà! Vẫn lui cui vào bếp, vẫn thức khuya dậy sớm, vẫn chăm con chăm chồng và vẫn chu toàn công việc của mình. Để vừa lo tốt công việc vừa lo gia đình chu đáo không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Đôi khi họ quá đam mê công việc, quá bận bịu, họ quên mất mình còn có gia đình. Chính sự thiếu cân đối ấy dễ dẫn đến những hiểu lầm, tự ti mặc cảm ở người chồng và tất yếu gia đình sẽ tan vỡ. Vì thế phụ nữ ngày nay phải làm tốt công tác gia đình lẫn xã hội mới được đánh giá cao. Nghĩa là gánh nặng lại nặng hơn mà không một lời kêu ca hay phàn nàn. Trong khi các đức lang quân được quyền thẳng cẳng ngủ đến sáng, được quyền vô tư nằm đọc báo, xem tivi và được quyền ăn nhậu đều đều... Dường như, điều đó trở thành quy luật bất thành văn và hiển nhiên nội trợ được xem là bổn phận, nghĩa vụ của chị em phụ nữ. Đàn ông không có trách nhiệm "nhúng tay" vào. Dù xa xưa hay bây giờ thì phụ nữ vẫn đảm đang, vẫn chịu khó, vẫn có chút gì đó thiệt thòi!

Đàn ông lớn tuổi, độc thân thì không sao mà trái lại còn được khen "gừng càng già càng cay", còn chị em phụ nữ lớn tuổi mà chưa lập thất thì lại bị người đời bàn tán xôn xao, nhìn tới nhìn lui phán một câu xanh rờn "ở giá"! Khổ lắm chứ chẳng chơi! Đàn ông bù khú bên ngoài, có vợ một, vợ hai thì cũng được thiên hạ ca rằng "số đào hoa", còn khi đàn bà lỡ đi ngoại tình thì bị chồng và xã hội lên án gắt gao, nào là trái với thuận phong mỹ tục, nào là làm ô uế gia đình, thậm chí dẫn đến cảnh tan cửa nát nhà.

Trong khi đàn bà vừa cân đối thời gian cho công việc và gia đình thì chồng lại thoải mái ra ngoài ba hoa, chích chòe... Có thể người chồng ra ngoài chẳng có địa vị gì trong xã hội nhưng về nhà cứ như một ông vua con được vợ hầu hạ hết mình. Thế mới thấy giá trị đích thực của người đàn bà trong gia đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật