Khi Trung Quốc là hổ giấy bị xiết vòng kim cô

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với những thế mạnh gần như không thể chối cãi về mọi mặt, từ diện tích lãnh thổ cho tới dân số, quy mô nền kinh tế, nhưng tại sao với ngần ấy thứ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực vẫn đang gói gọn trong một giới hạn tương đối hạn chế.
Khi Trung Quốc là hổ giấy bị xiết vòng kim cô
Ảnh minh họa

Thế giới đang nói nhiều hơn bao giờ hết đến việc một cuộc phân chia ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra vào mùa thu năm nay khi chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức nước Mỹ. Ai cũng có thể nhận thấy rằng tương quan quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có cán cân nghiêng về phía Mỹ một cách tuyệt đối với hàng loạt đồng minh và những sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực. Đơn giản là vì khi trên đầu Trung Quốc vẫn còn đang bị một chiếc vòng kim cô xiết chặt, thì dù muốn hay không Trung Quốc vẫn khó có thể mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực ở thời điểm hiện tại.

Có quá nhiều nguyên nhân đang khiến cho ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á đang thấp hơn rất nhiều so với tiềm lực của nước này cũng như với sự kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sự hung hăng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hàng loạt các nước láng giềng đang là nguyên nhân hàng đầu khiến cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bị giới hạn một cách đáng kể. Lần lượt Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN đều đang có sự cảnh giác cao độ với những ý định tranh chấp lãnh thổ theo kiểu ngang ngược của Trung Quốc và cùng với đó là những ý đồ chính trị của quốc gia này.
Những tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh đang tạo ra một tâm lý dè chừng từ phía các quốc gia láng giềng và bất cứ một ý định tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng chính trị hoặc kinh tế từ phía Trung Quốc sẽ khiến các nước này liên tưởng tới ý định đen tối từ phía Trung Quốc để hỗ trợ cho các hành vi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của mình.
Không chỉ các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mà kể cả những nước không phải láng giềng và không có xung đột về lãnh thổ với Trung Quốc thì ý định tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các nước này cũng đang có dấu hiệu không thành.
Trong động thái gần nhất, ứng cử viên tổng thống Sri Lanka thân Trung Quốc là Mahindra Rajapaksa đã thất bại trong cuộc bầu cử ở quốc gia Nam Á này, đây được xem là một trong những thất bại nặng nhất của Bắc Kinh trong việc nâng cao ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á khi mà Sri Lanka là một trong những nước nhận đầu tư mạnh mẽ nhất từ phía Trung Quốc và Bắc Kinh rất kỳ vọng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của mình Mahindra Rajapaksa sẽ dễ dàng giành được ghế tổng thống, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Sri Lanka chỉ là một trong số những ví dụ điển hình cho một xu hướng mới, đó là sự giảm sút quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với những nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nam Á. Hàng loạt những ứng cử viên thân Trung Quốc ở nhiều nước trong khu vực đều thất bại trong các cuộc bầu cử chính thức, ở Ấn Độ là chiến thắng của ông Narendra Modi, tại Indonesia là chiến thắng của Joko Widodo. Thậm chí các nước vốn vẫn chịu ảnh hưởng nặng của Trung Quốc như Myanmar hay Triều Tiên cũng đang rục rịch có những sự thay đổi về mặt thể chế, qua đó tách ra khỏi tầm ảnh hưởng và chi phối của Bắc Kinh.
Myanmar sau hơn sáu thập kỷ đóng cửa đất nước dưới chế độ quân sự đã bắt đầu mở cửa để hội nhập kinh tế và tổ chức bầu cử ở Yangoon làm bước đệm cho kế hoạch tổng tuyển cử trên toàn quốc vào cuối năm 2015. Một Myanmar mở cửa phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Trung Quốc với quốc gia này sẽ gần như không còn khi mà trước đây Bắc Kinh vẫn ủng hộ sự duy trì thể chế độ quân sự ở Myanmar như một đảm bảo về chính trị từ nước láng giềng. Một khi Myanmar mở cửa và trở nên mạnh hơn về kinh tế và dứt ra khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ có thêm một mối lo mới ở biên giới Tây Nam của mình.
Sở dĩ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực giảm sút dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và về lý thuyết thì sự trỗi dậy về sức mạnh của nước này sẽ gia tăng thêm ảnh hưởng với các nước láng giềng, là vì xu thế hội nhập đã lan rộng ra khắp toàn cầu cũng như bắt nguồn từ việc Trung Quốc tăng cường các ý định tranh chấp lãnh thổ dẫn đến sự đề phòng từ các nước láng giềng.
Khác với dự đoán của các chuyên gia trên thế giới rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình bằng sức hút về kinh tế, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang duy trì chiến lược cổ lỗ sĩ từng được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua, đó là tìm cách đặt một chính phủ thân Trung Quốc ở các quốc gia mà Bắc Kinh cần mở rộng ảnh hưởng, điển hình là ở Nepal. Đó có vẻ như là một chiến lược sai lầm và không hiệu quả khi hầu hết các quốc gia trên thế giới ở thời điểm hiện tại có thể chấp nhận một ảnh hưởng mềm về kinh tế hơn là một ảnh hưởng cứng về chính trị và quân sự.
Chiến lược tiếp cận sai lầm của Bắc Kinh vì thế đang tạo ra một hậu quả là một vành đai các nước luôn đề phòng Trung Quốc ở xung quanh nước này, từ phía Đông Bắc như Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến phía Đông Nam như Philippines và ở phía Tây như Ấn Độ, Sri Lanka hay Myanmar, mà không ít trong số đó là các nước đã từng có mối quan hệ khá gần gũi với Trung Quốc trong quá khứ. Cách tiếp cận và mở rộng ảnh hưởng thiếu hiệu quả đó đang dẫn đến việc ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang thấp hơn rất nhiều so với sự kỳ vọng của các nhà lãnh đạo nước này cũng như tiềm năng và sức mạnh của Trung Quốc.
Và khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực thấp như vậy, thì sẽ có bao nhiêu cơ hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ vào mùa thu năm nay để bàn về việc phân chia ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, liệu Mỹ có cần nhượng bộ chia sẻ ảnh hưởng của mình với một con "hổ giấy" vẫn đang bị chiếc vòng kim cô xiết chặt trên đầu hay không.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật