Sinh viên sắm vai đại biểu Quốc hội thảo luận về việc làm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Không cụ thể hóa mục tiêu giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp là bao nhiêu đồng nghĩa với việc chưa thể hiện được lời hứa, quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này“, sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hào trong vai đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Sinh viên sắm vai đại biểu Quốc hội thảo luận về việc làm
Các thành viên Đoàn chủ tịch Quốc hội do sinh viên sắm vai. Ảnh: H.P.

Sáng 13/3, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội trẻ, gần 300 sinh viên các trường đại học Hà Nội sắm vai đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ, xem xét thông qua Nghị quyết về giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đây là phiên họp thứ hai trong chuỗi dự án "Nghị sĩ trẻ" của Văn phòng Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. Trước đó trong phiên giải trình ngày 10/1, các sinh viên trong vai đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều bộ trưởng về việc tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao.

Chưa đồng tình với dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thái Bình lên tiếng: "Nghị quyết nêu chung chung mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là sinh viên mới ra trường mà chưa cụ thể hóa con số giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ làm trái ngành là bao nhiêu?". Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Hào cho rằng việc không cụ thể hóa mục tiêu đồng nghĩa với việc chưa thể hiện được lời hứa, quyết tâm của Chính phủ cũng như các thành viên trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Trong các giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp, dự thảo nêu rõ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức cho người lao động, doanh nghiệp, các cấp, các ngành. "Vậy tôi xin hỏi trách nhiệm thực hiện giải pháp là ai?", đại biểu Trần Thị Hương Giang đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ. Đại biểu Giang cho rằng, quy định chung chung như vậy dễ dẫn đến sự chồng chéo trách nhiệm của các bộ ngành trong quá trình thực hiện và quy trách nhiệm sau này nếu không hoàn thành mục tiêu.

Đại biểu Lê Mai Trang đánh giá 6 giải pháp của nghị quyết đề ra mang tính ưu việt, phần nào giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, nhưng nội dung còn trùng lặp. "Dự thảo chưa đề cập trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành. Ví dụ chính sách thu hút nhân tài về địa phương, nhưng không nói rõ bộ nào có trách nhiệm trong vấn đề này", đại biểu Trang nói.

Liên quan đến việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề sao cho phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế, nhiều đại biểu không đồng tình với quy hoạch này. Nguyễn Thái Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hào cho rằng, Chính phủ làm như vậy có thể cản trở tính linh hoạt của các trường. "Nên tạo cơ chế cụ thể cho các trường tự chủ, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng uy tín để thích nghi với nhu cầu xã hội. Trường nào không đáp ứng sẽ bị đào thải", đại biểu Bình nói.

Không phản đối việc quy hoạch các trường đại học, đại biểu Ngọ Duy Tân Cường cho rằng nếu phải quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, không nên có tầm nhìn ngắn hạn mà phải có bước đi dài. Điều quan trọng hơn là cần quan tâm đến chất lượng giáo dục. Các trường cũng không nên "khuyến khích" hay "nương nhờ" doanh nghiệp phải sử dụng nhân tài của mình, bởi nếu trường mạnh, đào tạo giỏi thì doanh nghiệp phải tự tìm đến. Điều này đặt ra câu hỏi cho Bộ Giáo dục: "Nếu đào tạo mà không đáp ứng được nhu cầu việc làm, doanh nghiệp không tìm đến thì nền giáo dục đó đào tạo cho ai, đáp ứng được nhu cầu gì cho xã hội?".

Đại biểu Ngọc Hào nhấn mạnh, năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập, thị trường lao động mở rộng. Nếu sinh viên không được đào tạo bài bản, không nâng cao chất lượng làm việc để khi ra trường trở thành những lao động thực thụ thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

Sau khi lắng nghe góp ý của đại biểu, các thành viên Chính phủ lần lượt làm rõ thêm các vấn đề. Về việc cụ thể hóa tỷ lệ thất nghiệp, sinh viên Trương Quốc Bảo trong vai Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội trả lời: "Chính phủ cam kết phấn đấu giảm 50% tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp, giảm từ 10% đến 30% sinh viên ra trường làm trái ngành và báo cáo Quốc hội một cách thường xuyên nhất",

"Phó thủ tướng" bày tỏ quan điểm không đồng ý với ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, nếu có thì Chính phủ cũng không nên can thiệp quá sâu mà để các trường tự chủ. "Việc làm này hoàn toàn cần thiết, không thể thiếu trong công cuộc đổi mới nền giáo dục hiện nay. Chúng ta không thể sợ tốn kém và nhìn vào trước đây chưa quy hoạch tốt mà nảy sinh tâm lý ngại quy hoạch", "Phó thủ tướng" nói.

"Đại biểu" Ngọ Duy Tân Cường đặt vấn đề "Nếu đào tạo mà không đáp ứng được nhu cầu làm việc, doanh nghiệp không tìn đến thì nền giáo dục đó đào tạo cho ai, đáp ứng được nhu cầu gì cho xã hội?". Ảnh: H.P.

Bảo vệ quan điểm quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo, sinh viên Trần Đại Lâm sắm vai Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng quy hoạch lại các trường đại học là bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới giáo dục, cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự thay đổi trong tư duy của người lãnh đạo lẫn người làm giáo dục.

Kết thúc phiên họp toàn thể, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá các sinh viên sắm vai đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm rất sắc bén. Khi ông Dũng đặt câu hỏi "Có ai tin rằng nghị quyết này sẽ giải quyết được việc làm cho các bạn?", cả hội trường đồng thanh trả lời "Không".

"Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này thì có rất nhiều nguyên nhân, do giáo dục, do kinh tế, do quản lý chưa khoa học... Hy vọng thời gian tới, đất nước sẽ có một nghị viện trẻ thực sự để giải quyết các vấn đề do người trẻ ủy quyền, chứ không đơn giản là sắm vai như thế này nữa", ông Dũng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật