Xáo trộn cuộc sống do thời tiết nồm ẩm kéo dài

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị Thanh ở Hà Nội dạo này phải thức khuya hơn để hong khô quần áo cho cả nhà. Thời tiết nồm ẩm, quần áo phơi không khô nên mặc luôn có mùi hôi đặc trưng.
Xáo trộn cuộc sống do thời tiết nồm ẩm kéo dài
Mưa ẩm kéo dài khiến chị Thanh mỗi tối phải mất cả tiếng đồng hồ hong khô quần áo. Ảnh: Phan Dương.

Mưa phùn triền miên khiến xóm trọ của chị Thanh (đường Láng, Hà Nội) luôn trong tình trạng âm u, nền nhà nhớp nháp, trơn trượt. Quần áo giăng kín hành lang, mùi hôi chua khó chịu. Cả tuần nay bé Bin nhà chị không được ra đường đi dạo mỗi chiều, cứ đến khoảng 6h tối là cô bé cuồng chân quấy khóc đòi đi. Trời nồm, sàn nhà trơn trượt, đã mấy lần con bị ngã nên chị không dám cho ra ngoài chơi nữa. Căn phòng trọ hơn 20m2, chị phải mua miếng lót xốp lót sàn để con có chỗ chơi.

Chị Thanh bức bối nhất với kiểu thời tiết này là khoản phơi phóng quần áo. Nơi ở của gia đình chị thuộc khu nhà cho thuê với hai dãy đối diện nhau. Trời khô ráo mới phơi phóng quần áo được, còn những ngày mưa đều ở trong tình trạng bí quần áo mặc. Tối nào chị đều phải mất cả tiếng hong quần áo cho con. Gian phòng vốn ngăn nắp ngày thường trở nên ngộp thở bởi quần áo người lớn, trẻ em treo kín.

"Cái thời tiết này có muốn không thay quần áo cũng không được. Đi ra ngoài về người ướt át, khó chịu lắm, mặc 2-3 ngày một bộ sao chịu nổi. Cũng không thể cứ đắp mãi vào chậu chờ nắng nên tôi buộc phải giặt, treo lên cho ráo nước rồi dùng quạt hong khô, trước khi mặc thì hơ qua máy sấy", chị Thanh cho biết. Bà mẹ này dự tính đợi vài ngày nữa có lương sẽ mua một cái máy sấy vừa túi tiền.

Trở về nhà sau vài ngày về quê dự hội làng, chị Xuân (35 tuổi, Mỹ Đình) giật mình khi nhìn thấy những mảng đen lổ loang trên tường nhà. Ban đầu chị còn tưởng ai ác ý vấy bẩn vào nhà mình, kiểm tra lại là những vết mốc. Xem khắp nhà, hầu hết các đồ nội thất bằng gỗ đều có mốc bám lên, cả các khung ảnh treo tường cũng bị mốc xanh. Tủ lạnh đổ mồ hôi, chảy nước thành giọt.

"kinh khủng nhất là chăn ga gối đệm mốc hết. Mình buộc phải lấy bộ ga cũ ra dùng tạm. Tiếc nhất cái áo khoác phao vừa mua treo trên móc tường đã mốc hết cả, chẳng còn dùng được nữa", chị than.

Cả ngày hôm sau chị Xuân hì hụi lau tường, lau nhà; mang chăn màn, quần áo ra tiệm giặt là. Sau nhiều lần lau nhà cửa vẫn thấy nhớp nháp, chị đành mua giấy báo lót kín sàn nhà. "Các góc như gầm giường, gầm tủ tôi bỏ vài bịch than hoa khô vào để hút ẩm. Có người mách đặt bì vôi vào nhà cũng chống ẩm hiệu quả lắm", chị chia sẻ những cách rẻ tiền, dễ thực hiện trong điều kiện nhà không có điều hòa cũng như máy sấy.

Không kể gì các nhà cấp 4, nhà trọ mà ngôi nhà 3 tầng nhà chị Hoài (Khương Trung, Thanh Xuân) cũng "toát mồ hôi", các phòng có mùi nấm mốc. Chị than thở: "Thời tiết này, nhà thì như đổ nước, quần áo hôi hám, trời âm u khiến người cứ cảm thấy bực tức vu vơ".

Tầng 1 nhà chị vừa có bếp, vừa làm phòng khách, người đi lại nhiều nên luôn trong tình trạng ướt át, chỉ lau được một lúc là nhà lại bẩn như cũ. Mấy hôm nay chị quyết định chỉ dùng giẻ khô để lau thay vì lau bằng nước nóng như trước đó. Các phòng từ tầng 2, tầng 3 đều bật điều hòa để không khí khô ráo. Biết là tháng sau tiền điện sẽ tăng lên nhưng chị chấp nhận để sức khỏe mọi người cũng như đồ đạc trong nhà được đảm bảo.

Minh Tuấn từ TP HCM ra Hà Nội đã 2 năm nay để họ Đại học Giao thông vận tải, cho biết đến giờ đã thấm thía kiểu thời tiết nồm. "Ra Hà Nội em mới biết thời tiết này, Sài Gòn chỉ có nắng nóng. Đó là kiểu trời mưa phùn nhiều ngày, độ ẩm lớn. Ngoài đường thì bẩn, trong nhà lại ướt át, quần áo phơi không khô. Cứ trời này là không có quần áo mặc", cậu nói.

Tuấn vừa phải nghỉ buổi học chiều thứ ba do cho cậu bạn cùng phòng mượn quần đi học vì hôm ấy có bài kiểm tra. Chàng trai này lo vài ngày tới những chiếc quần đã giặt sẽ không thể khô, đành phải nhờ đến quạt. "Có hong thì quần áo mặc vào vẫn có cảm giác ẩm. Quần còn cố mặc ẩm được chứ tất thì chịu, vừa hôi chân mà nhớp ghê lắm, phải cho tất vào chảo rang cho thật khô mới dám đi", Tuấn tiết lộ chiêu thường sử dụng mỗi dịp mưa ẩm kéo dài.

Thời tiết nồm ẩm là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Các chuyên gia y tế khuyên, để bảo vệ sức khỏe, gười dân cần giữ nhà cửa khô ráo bằng cách đóng kín cửa, lau nhà bằng giẻ khô, bật điều hòa, mấy sấy hoặc lót giấy báo, hạn chế đi lại. Các đồ điện tử cần được sử dụng, đặt ở chế độ chờ để tránh chập điện, hỏng hóc. Riêng quần áo, đặc biệt là đồ lót, cần phải hong khô trước khi mặc...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật