Đề xuất MTTQ Việt Nam được quyền góp ý cho Đảng về công tác cán bộ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây là ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) chiều 9/3.
Đề xuất MTTQ Việt Nam được quyền góp ý cho Đảng về công tác cán bộ
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/3 (Ảnh chụp màn hình: ND)

Cho ý kiến về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Luật MTTQ), ông Ksor Phước đề nghị, Luật sửa đổi nên quy định thêm vai trò MTTQ được góp ý cho Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ theo đề nghị của các cơ quan đó.

“Các cơ quan này đề nghị thì MTTQ sẽ tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến nhân dân, ví dụ như việc bầu trưởng thôn, thậm chí cũng có ý kiến còn đang đề nghị áp dụng với cả việc bầu Chủ tịch xã” – ông Ksor Phước nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, MTTQ phải tập trung giám sát vào quy hoạch tổ chức thực hiện ở cơ sở, tổ chức giám sát những nội dung trong Luật và Nghị quyết HĐND đã ban hành. Cụ thể, MTTQ tập trung giám sát những công việc cụ thể ở cơ sở, như chương trình đường điện, chất lượng cầu đường ra sao... Đồng thời cần phải quy định, MTTQ được quyền kiến nghị, tham gia vào các đoàn giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu thừa nhận bộ máy hành chính cấp thôn, xã thì sẽ rất cồng kềnh. Do vậy từng bước phải thu gọn lại, nếu cứ thừa nhận cấp thôn là một tổ chức sẽ gây khó cho sau này. Ông Phúc đề nghị cân nhắc, có thể thừa nhận Ban công tác mặt trận cơ sở nhưng không nên đưa vào trong luật, để sau này quy định.

Trước đề xuất của các đại biểu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm về việc giám sát xây dựng chính quyền. Hiện MTTQ cứ 3 tháng một lần báo cáo tình hình nhân dân, nhưng còn xây dựng chính quyền nếu tổ chức 3 tháng một lần thì không được, và nên tổ chức báo cáo một lần trong năm.

Liên quan đến đề xuất góp ý về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đến nay vẫn chưa có chủ trương giao MTTQ thực hiện việc này, nhưng nếu Đảng yêu cầu thì sẽ làm được. Tuy nhiên ông Nhân cho rằng không đưa đề xuất này vào Luật.

“Nếu có chủ trương của Quốc hội thì MTTQ tham gia, nhưng nếu đưa nội dung này vào trong Luật thì chưa đầy đủ cơ sở pháp lý” – ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho biết, khi xây dựng dự án luật, Ban soạn thảo đã xin ý kiến MTTQ và căn cứ vào quy định hiện nay nên việc thêm nội dung gì phải cân nhắc. Việc MTTQ có phản biện về cán bộ hay không, theo ông Phan Trung Lý đây là công tác tổ chức của Đảng. Tại 2 báo cáo trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và đề nghị không đưa vào trong luật mà chỉ đưa vào các văn bản cụ thể của Đảng.

Cho ý kiến thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, đối với công tác cán bộ, nếu Đảng chưa yêu cầu thì khó thực hiện. Do vậy trong trường hợp này, nếu Đảng đề nghị thì sẽ đưa vào Luật.

Liên quan đến đề nghị bổ sung quyền của MTTQVN tham gia nhận xét đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 trong đó quy định rõ Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Uỷ ban MTTQVN các cấp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp. Quy định như vậy là phù hợp với tính chất, vị trí, quyền và trách nhiệm của MTTQVN. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật