Tăng giá điện 7,5%: ‘Sử dụng 50 kWh chỉ phải mất thêm gần 5.000 đồng/tháng’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 6/3.
Tăng giá điện 7,5%: ‘Sử dụng 50 kWh chỉ phải mất thêm gần 5.000 đồng/tháng’
Ông Đinh Quang Tri

Cụ thể, sắp tới Bộ Công Thương sẽ ban hành bảng giá điện mới chi tiết cho mức tăng giá 7,5%.

Phát biểu tại họp báo, ông Tri cho biết, mức tăng chung được đưa ra là 7,5%, nhưng định hướng việc tăng giá sẽ có một số nhóm đối tượng tăng trên mức trung bình và một số tăng dưới mức trung bình.

Ví dụ, các nhóm tăng dưới mức trung bình dưới 7,5% là những hộ tiêu thụ dưới 100kwh. Ngược lại, những hộ sản xuất đang hưởng giá thấp sẽ phải chịu mức cao hơn tức là trên 7,5%… Việc tăng giá này còn tuỳ thuộc vào từng đối tượng.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về tác động của đợt tăng giá 7,5% đến các hộ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ điện, ông Tri cho biết, đối với điện sinh hoạt thì rất dễ tính toán. Nếu hộ dân tiêu thụ dưới 50 kWh thì số tiền phải trả thêm mỗi chưa đến 5.000 đồng (khoảng 4.800 đồng/hộ).

Đối với hộ sản xuất, tác động của việc tăng giá điện còn phụ thuộc vào giá thành của từng hộ tiêu thụ. Nếu tiêu thụ nhiều thì mức giá phải trả sẽ cao hơn và chưa thể đưa ra được con số cụ thể.

Theo ông Tri, giá trần bán lẻ điện hiện nay là 1.622 đồng/kWh.Trong năm nay, nếu giá khí, giá dầu ổn định thì sẽ không điều chỉnh giá điện nữa.

Về việc điều chỉnh theo giá thị trường, ông Tri cho biết theo lộ trình 2023 sẽ phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

"Người tiêu dùng có thể mua điện của bất kì ai nếu thấy giá rẻ hơn. Singapore cứ 3 tháng điều chỉnh 1 lần, họ không bù lỗ 1 xu nào, giá điện của họ hiện tại là 25 cent/kWh" - ông Tri nói.

Việc điều chỉnh điện theo giá thị trường còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam. Nếu nhu cầu sử dụng điện tăng quá nóng cần phải đầu tư thêm nhà máy, vay vốn gấp xây dựng nhà máy, vay vốn gấp sẽ dẫn đến lãi suất cao vì vậy giá điện sẽ cao.

Đặc thù của EVN là sản xuất và tiêu thù đồng thời, số lượng rất lớn, khách hàng gồm hơn 22 triệu người. Mỗi đối tượng có nhu cầu, đặc thù riêng, có lúc cao điểm. Vì vậy cần phải tiết kiệm điện tối đa để tránh việc nâng giá điện bất hợp lý.

Có mặt tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết trong những năm qua Chính Phủ đã có chính sách điều chỉnh thị trường hoá các mặt hàng, trong đó có điện. Quyết định 69 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương đã thành lập tổ kiểm soát giá thành điện và đảm bảo đã công khai, minh bạch trong vấn đề giá điện. "Chúng tôi đã kiểm tra yếu tố tăng giá điện: than, khí, tài nguyên nước…Bộ Công Thương đã tính toán các giá thành và đánh giá tác động tới CPI, sản xuất kinh doanh… Trong thời gian tới Bộ sẽ ban hành bậc giá điện đơn giản nhất có thể”, ông Tuấn phát biểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật