Chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 5/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông cáo báo về quyết định chuyển đổi hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) sang mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam
Ảnh minh họa

Theo nội dung thông cáo, thời gian qua, hoạt động của VNCB đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của Pháp Luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đặt VNCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của Pháp Luật.

Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi VNCB không có các giải pháp tái cơ cấu khả thi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Để xử lý dứt điểm các vấn đề của VNCB, căn cứ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Đây là biện pháp can thiệp của Nhà nước cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu giữ ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cũng như giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo đúng định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với sự tham gia quản trị, điều hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong các ngân hàng thương mại nhà nước lớn, có uy tín nhất hiện nay.

Sau khi tiếp quản Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phương án tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời triển khai các giải pháp phát triển Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam hoạt động an toàn, đúng Pháp Luật.

“Với vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, cùng sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra,” nội dung thông cáo nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam vừa ra mắt sáng nay (ngày 5/3) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Văn Tuân sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng. Ông Tuân này sẽ thôi nhiệm các chức vụ tại Vietcombank theo quy định, để tập trung cho cương vị mới. Ông Đàm Minh Đức tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng này.

Ngày 2/2, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần vì tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định nên Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng.

Sau thương vụ, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật