Ý tưởng quảng bá văn học Việt của các chuyên gia quốc tế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam, đại biểu từ các quốc gia đã chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm nhằm giúp giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài.
Ý tưởng quảng bá văn học Việt của các chuyên gia quốc tế
Hình ảnh tại Hội thảo “Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt“ (diễn ra sáng 3/3 tại Hà Nội). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt lần thứ ba.

Nói theo ngôn ngữ kinh tế, hiện tại Việt Nam đang nhập siêu văn học, số tác phẩm nước ngoài dịch về quá nhiều, số tác phẩm bản địa đưa ra thế giới quá ít. Nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế tới dự Hội nghị Quảng bá Văn học Việt lần thứ ba (diễn ra từ 2 tới 6/3) tại Hà Nội đã đưa ra những đóng góp thiết thực.

Ông Chúc Ngưỡng Tu - giáo sư dạy Văn học Việt Nam tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc - nhận xét Việt Nam có nhiều nhà văn giỏi, không thiếu tác phẩm hay. Ông Igor Britov - Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á của hãng thông tấn Nước Nga ngày nay - cũng cho rằng văn học Việt được khá nhiều bạn đọc Nga biết đến. Tuy vậy, các tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài còn khiêm tốn.


Là người dịch hầu hết tác phẩm của Hồ Chí Minh sang tiếng Trung, ông Chúc Ngưỡng Tu cho biết tại Trung Quốc, tác phẩm văn học Anh, Mỹ, Nhật, Nga... thường do nhà xuất bản lựa chọn rồi thuê dịch giả chuyển ngữ. Được đảm bảo tài chính nên hiệu suất làm việc cao. Trong khi với văn học Việt cơ bản là dịch giả tự lo. Đôi khi họ dịch ra rồi cũng khó xuất bản. Vì thế người dịch văn học Việt Nam ở Trung Quốc phải có tấm lòng vô tư và tinh thần ham mê văn học.

Chúc Ngưỡng Tư chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc khuyến khích quảng bá văn học. Từ sau 2006, Trung Quốc tài trợ tiền xuất bản tác phẩm với con số hàng năm từ 10 tới 36 triệu nhân dân tệ. Giáo sư Đại học Nam Kinh tiết lộ để thúc đẩy quảng bá văn học, nước này đã tăng mức nhuận bút cho người dịch văn học Trung Quốc ra tiếng nước ngoài. "Nếu chính phủ Việt Nam thành lập một quỹ Văn học dịch để trợ cấp và khen thưởng thì công việc giới thiệu văn học Việt sẽ rất hiệu quả...", Chúc Ngưỡng Tư nhận định.

Trong khi đó, đại diện Nga, ông Igor Britov đưa ra ý kiến: "Sách Việt cần xuất hiện trở lại thị trường Nga". Theo ông, những tác phẩm văn học Việt phát hành ở Nga trước đây được nhiều độc giả đón nhận, điển hình như bộ sách thuộc "Tủ sách văn học Việt Nam" gồm 15 tập của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên... Trong kế hoạch tới năm 2016 của chương trình quảng bá văn học Việt - Nga do cựu Tổng thống Medvedev đề xướng, dự kiến 6 tác phẩm được xuất bản trong đó có Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm của Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh...

Tuy nhiên, ông Igor Britov cho rằng không thể quảng bá văn học chỉ dựa vào một mình Hội Hữu nghị Nga - Việt. Việc cần làm là xây dựng chính sách, có định hướng tổng thể. Ông nói: "Quảng bá văn học Việt ở Nga chỉ thực sự được tiến hành nếu những người Việt ở các cấp vào cuộc: đại sứ quán, các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp". Ông Igor lấy ví dụ việc Nhật Bản quảng bá tác phẩm. Từ năm 1972, quỹ Nhật Bản ở Nga thành lập. Các nhà văn Nhật sang Nga tham dự triển lãm, hội chợ sách, tích cực giao lưu, giới thiệu tác phẩm. Phía Nhật cũng tài trợ cho việc tổ chức dịch thuật. Kết quả là sách của tác giả Nhật phá vỡ mọi kỷ lục xuất bản ở Nga.

Là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt, dịch giả Lê Bá Thự phần nào hiểu tình hình dịch trong nước. Ông cho rằng có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ đưa văn học Việt ra nước ngoài, đó là: Các dịch giả Việt trong nước, dịch giả Việt sinh sống ở nước ngoài và dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt. Lê Bá Thự lần lượt phân tích đặc điểm của mỗi lực lượng. Theo ông, người nước ngoài thông thạo tiếng Việt sẽ là nhóm lý tưởng nhất cho việc giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài.

Ông lập luận: "dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước họ là dịch xuôi, cực kỳ thuận lợi, như chúng ta dịch tác phẩm nước ngoài ra tiếng Việt. Hơn ai hết, họ biết chọn trúng tác phẩm đáp ứng tâm lý, yêu cầu, thị hiếu của bạn đọc nước họ". Ông Lê Bá Thự cho rằng, nhà nước cần có biện pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng dịch giả, có chế độ nhuận bút, đãi ngộ tương xứng: "Theo tôi biết, nhiều nước trên thế giới có quỹ dịch thuật. Quỹ này tài trợ cho dịch giả và nhà xuất bản dịch tác phẩm của nước mình. Đây là hình thức đầu tư chiều sâu hiệu quả và mang lợi ích lâu dài".

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết việc quảng bá văn học cần hình thành một cơ quan chuyên môn và một cơ chế vận hành hữu hiệu. Bởi thế Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm dịch Văn học. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần đầu tư, tạo điều kiện, tìm kiếm mọi cơ hội để cơ quan này hoạt động thực sự chuyên nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật