Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới: “Thảm đỏ” thôi, chưa đủ!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những chiếc thảm đỏ lại được trải ra, bằng hai sự kiện ngoại giao văn chương diễn ra cùng lúc: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3, Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 (vừa khai mạc hôm qua (2.3) tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ), nhưng vấn đề là, sau đó, thì sao? Đó mới là câu hỏi làm khó nền văn học bấy lâu không có thành tựu và hãy còn lâu mới có tên trên bản đồ văn chương thế giới.
Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới: “Thảm đỏ” thôi, chưa đủ!
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 2.3.

Rằng đông thì thật là đông

Lần thứ 3 tổ chức, bằng vào các kênh kết nối từ cá nhân cũng như phối hợp cùng các tổ chức quốc tế như Hội Nhà văn Á - Phi, nhóm Văn học sông Mê Kông, Trung tâm William Joiner Hoa Kỳ…, Hội nghị quảng bá văn học VN năm 2015 đã thu hút được hơn 150 khách mời quốc tế đến từ hơn 43 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lần đầu chỉ có 5 nước tham dự, lần 2 là hơn 30 nước). Trong đó, có nhiều người giữ vị trí quan trọng trên văn đàn thế giới.

Đón khách, nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - ngỏ ý: “Trong nhiều năm qua, VN muốn hội nhập văn hóa với thế giới và cũng muốn thế giới không chỉ thấy một cánh rừng, mà còn thấy cả từng bóng cây...”. Đáp lại, khách cũng dành cho chủ nhà những lời quý nhất, nói như nhà văn M. Salmawy - Quốc vụ khanh Ai Cập, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi: “VN đã cho chúng tôi một bài học quan trọng trong cuộc kháng chiến dài đằng đẵng. VN luôn trong trái tim chúng tôi”.

Tuy nhiên, tâm trạng của người tham dự không vì thế mà lạc quan hơn. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - nói: “Bước sang lần thứ 3, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là sau hai lần tổ chức trước, đã có bao nhiêu tác phẩm văn học VN được dịch ra tiếng nước ngoài và hiệu quả lan tỏa của nó ra sao thì đã không có được một con số cụ thể. Thay vào đó, vẫn là những mỹ từ đại loại như “tiểu hành tinh”, “dải ngân hà”… - thiết nghĩ chỉ nên nói một lần ở cuộc đầu, là đủ”. Ông Nguyên thậm chí còn nói thẳng: “Một kỳ cuộc phải nói là tốn kém nhưng chủ yếu thiên về phô trương hình thức hơn là đi vào thực chất. E là “có tiếng” cho nhà tổ chức hơn là “có miếng” cho nền văn học. Kinh nghiệm cho thấy, giữa hai kênh ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, thì công việc quảng bá văn học xem ra phù hợp với con đường “tiểu ngạch” hơn”.

Có gì để khoe mới là...

Ông Nguyên đưa ra dẫn chứng: Năm 2014, có hai tác phẩm văn học VN được dịch ra tiếng nước ngoài, một là một tập thơ của Mai Văn Phấn, hai là tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh (lần này dịch ra tiếng Trung), là cùng đều qua các mối quan hệ cá nhân người này, người kia mách mối, giới thiệu, chứ không phải đợi đến cái gọi là “hội nghị quảng bá” tốn kém này. Hay như bản thân nhiều vị khách VIP có mặt tại hội nghị lần này cũng là nhờ vào mối quan hệ cá nhân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người đang giữ chức vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi. Còn nếu như để thế giới tự tìm đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” thì trước nay văn học VN hầu như chỉ có hai cái tên là giàu sức hút hơn cả: Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Trong một cố gắng khác là tủ sách văn học VN tại Pháp do dịch giả Đoàn Cầm Thi khởi xướng và nỗ lực kết nối với các NXB của Pháp, cũng đã bước đầu giới thiệu được một số đầu sách xứng đáng, nhưng để nói là gây được tiếng vang thì chưa. “Ừ thì cứ cho là công tác tổ chức có thể cải tiến, đội ngũ dịch giả có thể thiết lập, nhưng vấn đề là… dịch gì, văn học VN lúc này có gì để đãi khách?” - nhà phê bình văn học VN Phạm Xuân Nguyên có vẻ bi quan. Chưa kể, còn là “hiệu ứng ngược”: Có tác giả, sau khi được coi là hiện tượng văn chương VN tại nước ngoài, đã không thể vượt qua nổi cái bóng của chính mình để đi tiếp. “Sự yếu bóng vía ấy có thể cũng nói lên trường lực của anh ta chỉ đến thế mà thôi” - ông Nguyên nói.

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” - tựa sách được dịch ra tiếng Anh này cũng phần nào nói lên... cách chúng ta quảng bá văn học Việt ra thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN - lại có quan điểm khác: “Theo tôi, ở những thời điểm không thuận tiện cho việc “ngoại giao nhà nước” thì ngoại giao nhân dân, thông qua những người tâm huyết, tiên phong là một kênh quảng bá tốt. Nhưng tới thời điểm này, cách hiệu quả nhất lại phải là kết hợp cả hai, để có thể đưa ra một cái nhìn toàn cảnh và bao quát hơn về diện mạo của cả một nền văn học dù lớn dù bé, chứ không thể là những cố gắng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu độ trường hơi. Đừng nghĩ văn học VN chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh khi ra đến thế giới, vì việc hai cái tên đó được quan tâm, còn có cả những yếu tố khách quan khác nữa chứ không chỉ mỗi giá trị văn chương thôi đâu! Nhưng vẫn phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, việc quảng bá văn học VN bằng kênh “ngoại giao nhà nước” chúng ta làm chưa được kỹ, sâu và hiệu quả cho lắm…”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật