Triều Tiên ‘lén lút’ cải cách nhưng kết quả vẫn... xa vời

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù thi hành những chính sách cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, giới chuyên gia nhận định cuộc sống người dân Triều Tiên cũng sẽ chỉ được cải thiện ở mức giới hạn.
Triều Tiên ‘lén lút’ cải cách nhưng kết quả vẫn... xa vời
Trẻ em nông thôn Triều Tiên tại tỉnh Bắc Hamgyong tại Triều Tiên.

Theo tờ Business Insider, "cải cách" vẫn là từ cấm kỵ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, sản lượng lương thực của Triều Tiên đã đạt mức gần đủ để cung cấp cho người dân nước này vào năm ngoái.

Cũng nhờ sản lượng nông nghiệp bội thu mà nền kinh tế Triều Tiên được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Đây là bước phát triển mạnh mẽ của Triều Tiên bởi trong 10 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này chỉ dưới 1%, theo số liệu của viện Nghiên cứu Hyundai tại Seoul.

Trái lại, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng hiện nay, nhiều hộ gia đình tại Triều Tiên vẫn phải sống trong tình cảnh thiếu đói. Theo đó, hàm lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của người dân Triều Tiên chỉ bằng chưa tới một nửa so với dân Hàn Quốc.

Mở rộng cải cách

Tại Triều Tiên, những kinh nghiệm cải thiện nền nông nghiệp dường như vẫn là điều bí ẩn kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 3 năm. Ban đầu, chính quyền Triều Tiên đã cho phép thành lập các nhóm sản xuất nông nghiệp với khoảng 12 người.

Tiếp đó, người nông dân được phép giữ lại 30% sản lượng thu hoạch. Ngoài ra, họ còn được giữ lại mọi khoản lời từ việc buôn bán sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Trong khi trước đây, mọi nguồn thặng dư đều phải nộp lên chính phủ.

Tuy nhiên, theo bản kế hoạch cải cách được công bố ngày 30/5 năm ngoái, các nhóm nông nghiệp lại được chia nhỏ theo quy mô hộ gia đình. Do đó, khoản lợi chia sẻ được mở rộng tới 60%. Ngay cả, diện tích đất đai phân chia cho các hộ gia đình cũng tăng từ 100 m2 thành 300 m2.

Ngoài nông nghiệp, chính phủ Triều Tiên cũng chú trọng tới phát triển ngành công nghiệp. Như những quy định trong bản kế hoạch cải cách hồi tháng 5/2014 nêu rõ các ông chủ nhà máy quốc doanh được trao quyền tuyển dụng nhân viên, trả lương công nhân, lựa chọn và thu mua nguồn nguyên liệu thô trên thị trường cũng như được quyền bán một phần sản phẩm ra thị trường.

Và giống như những người nông dân, các ông chủ nhà máy vẫn phải nộp một phần sản lượng làm ra cho nhà nước. Theo chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, ông Andrei Lankov, chính sách này không khác gì việc nộp thuế công ty như quy định của nền kinh tế tư bản.

Công nhân Triều Tiên xây dựng công trình tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Chính quyền Triều Tiên còn quan tâm thúc đẩy mở rộng các đặc khu kinh tế. Ra đời vào năm 1991, Rason là khu kinh tế lâu đời nhất ở phía đông bắc Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc và Nga. Sau một khoảng thời gian hoạt động trì trệ, những chuyển biến tích cực đã nhanh chóng xuất hiện tại đặc khu kinh tế này. Bởi các công ty Trung Quốc đã trải thảm kết nối hoạt động của cảng Rason với khu vực biên giới Trung Quốc. Hay hồi tháng Bảy năm ngoái, một khu cảng tập kết hàng hóa mới đã được kết nối với tuyến đường sắt chở hàng tới Nga.

Trong một diễn đàn gần đây tại Seoul về hoạt động kinh doanh tại Triều Tiên, ông Mark Kim, một doanh nhân điều hành công ty sản xuất giày tại Rason cho biết sản phẩm giày thể thao của công ty đã "bán chạy như tôm tươi" tại Triều Tiên. Thậm chí, Rason còn là nơi duy nhất tại Triều Tiên mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu một căn nhà tại đây.

Kể từ năm 2013, chính phủ Triều Tiên đã tuyên bố mở thêm 19 đặc khu kinh tế. Trong đó, những trung tâm thương mại nhỏ có diện tích từ 2 – 4 km2 phục vụ mọi nhu cầu mua sắm từ khách du lịch, những người yêu thích công nghệ cho tới những sản phẩm nông nghiệp và phân bón. Do đó, mỗi thành phố tại Triều Tiên hiện có từ 1 – 2 trung tâm thương mại như trên.

Điều đáng nói là những biện pháp cải cách như trên đã được chính quyền Triều Tiên thông báo kể từ năm 2002. Nhằm tạo động lực cho người lao động, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã ra tuyên bố giảm bớt số tiền trợ cấp cho các công ty nhà nước trong khi người nông dân được phép bán sản phẩm thặng dư ra các thị trường nhỏ lẻ. Song, tới năm 2005, những biện pháp thúc đẩy kinh tế này đã bị thu hồi.

Hiện nay, ông Kim Jong-un được xem là nhà lãnh đạo mang tư tưởng cải cách tham vọng lớn hơn bất cứ nhà lãnh đạo tiền nhiệm tại Triều Tiên. Trong những chuyến thăm tới các trại trẻ mồ côi hay công viên giải trí, ông Kim thường xuyên nhắc tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nước nhà. Ông Kim còn đưa mình trở thành nhà lãnh đạo thành công trong việc khuyến khích tầng lớp thành thị mua sắm ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Cải cách không đạt hiệu quả

Tuy nhiên, hệ thống phân phối công cộng tại Triều Tiên lại hoạt động không hiệu quả. Điển hình, việc phân phối thực phẩm không công bằng đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu đói. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán nhỏ lẻ, nạn buôn lậu và thị trường đen thực phẩm bùng nổ tại quốc gia cô lập. Điều này cũng đã giải thích vì sao 3/4 nguồn thu kinh tế của người dân Triều Tiên hiện đến từ hoạt động kinh tế tư nhân phát sinh.

Đáng nói, ngay cả chính quyền Triều Tiên cũng đang quan tâm tới nền kinh tế ngoài quốc doanh. Theo đó, giới chức quốc gia này chấp nhận nền kinh tế tư nhân bởi họ không thể kiểm soát những mánh lới làm ăn. Khi mà, nhiều ông chủ doanh nghiệp quốc doanh đã tìm cách thu lợi cho cá nhân mình. Ngay cả, gia tộc của nhà lãnh đạo Kim cũng thu nguồn lợi tài chính từ những công ty nhà nước. Thậm chí, để mở rộng khoản thu, chính quyền Triều Tiên gần đây còn triệt phá hoạt động buôn lậu từ Trung Quốc.

Nữ nhân viên phục vụ trong một nhà hàng tại Bình Nhưỡng theo dõi buổi họp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên truyền hình.

Có thể nói, yếu tố tham nhũng và bảo kê lợi ích đang cản trở con đường cải cách tại Triều Tiên. Thậm chí, theo chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp Triều Tiên, ông Randall Ireson, một số tin đồn còn cho rằng giới chức địa phương đang tìm cách cắt bớt sản lượng thu hoạch của người nông dân trước mối lo ngại mất đi quyền kiểm soát và đặc quyền phân phối thực phẩm.

Ngoài ra, một số quan chức còn tìm cách thay đổi kế hoạch của chính phủ. Trong khi đó, người nông dân vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào các ban ngành chính phủ để thu mua nguyên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất như phân bón và đất đai. Ngay cả sản lượng thu hoạch tăng nhanh chóng hồi năm ngoái cũng đã khiến quốc gia cô lập phải trả giá đắt khi mà hàng loạt hồ dự trữ nước bị khô cạn vào mùa khô, đẩy Triều Tiên vào tình cảnh thiết điện trầm trọng hơn so với mọi năm.

Lo sợ về một cuộc khủng hoảng chính trị, Triều Tiên lâu nay vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ về mục đích của các khoản đầu tư nước ngoài. Thậm chí, mối lo này còn được áp dụng với cả Trung Quốc, một đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng. Điển hình, các công ty thương mại và khai thác mỏ Trung Quốc đã nhiều lần phàn nàn về việc đối tác Triều Tiên hủy hợp đồng và công khai ăn bớt.

Nông trường trồng táo tại khu vực ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã làm xấu đi mối quan hệ với nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù, phải hứng chịu liên tiếp lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế nhưng Triều Tiên vẫn không hề có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo báo cáo của Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp của Đại học Johns Hopkins ở Washington DC, kho hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng nhanh chóng. Cơ quan này dự báo, Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu khoảng hơn 10 vũ khí hạt nhân và Triều Tiên có thể sản xuất 100 vũ khí hạt nhân trong vòng 5 năm mà không cần tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư. Trong đó, quốc gia cô lập còn đang có tham vọng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp trên các tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tóm lại, theo Business Insider, ngay cả khi những chính sách cải cách hiện thời tại Triều Tiên vẫn được duy trì và ông Kim Jong-un vẫn là nhà lãnh đạo, việc cải thiện cuộc sống của người dân nước này cũng sẽ chỉ ở mức giới hạn.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật