Tạm trữ không phải là chính sách hỗ trợ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực quy gạo trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 ở vùng ĐBSCL tổ chức ngày 1.3 tại TP.Cần Thơ. Thời điểm tổ chức hội nghị cũng là ngày bắt đầu thực hiện tạm trữ, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn...
Tạm trữ không phải là chính sách hỗ trợ
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Gấp rút triển khai

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, mặc dù thu mua tạm trữ sẽ góp phần làm tăng giá lúa gạo và tạo thêm lợi nhuận cho nông dân, song đây chỉ đơn thuần là giải pháp can thiệp thị trường, không nên xem việc thu mua tạm trữ như là chính sách hỗ trợ. Trên tinh thần này, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thống nhất chủ trương lựa chọn các DN không căn cứ trên quy mô, sản lượng của từng địa phương mà dựa trên năng lực của DN thông qua trên 4 tiêu chí: Có đăng ký thu mua tạm trữ vụ đông-xuân 2014 - 2015, có thành tích thu mua tạm trữ vụ đông-xuân 2013 - 2014, có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ, và có tham gia mô hình “cánh đồng mẫu lớn”.

Phó Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho biết thêm: Điểm mới của lần này là VFA phối hợp chặt hơn với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL trong việc lựa chọn DN tham gia. Danh sách các DN được lựa chọn trên cơ sở đã xin ý kiến và đề nghị từ các địa phương. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị các địa phương và DN gấp rút triển khai vì thời gian tổ chức thu mua tạm trữ khá ngắn (45 ngày, 1.3 - 15.4.2015) và tháng 3 cũng là thời điểm nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ vụ đông-xuân. Cũng tại hội nghị, đại diện NHNN cho biết đã chỉ đạo 18 ngân hàng tham gia cho vay thu mua tạm trữ đồng thời khẳng định các ngân hàng đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn tín dụng cho việc thu mua.

Vẫn còn băn khoăn

Theo VFA, dự kiến vụ đông-xuân 2014 - 2015, ĐBSCL có khoảng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa. Cộng với khoảng 700.000 tấn gạo còn tồn đọng từ năm 2014, ĐBSCL sẽ có khoảng 5 triệu tấn. Trong khi đó, hiện tại VFA chỉ mới ký hợp đồng XK được 1 triệu tấn và khả năng đến hết quý II/2015 cũng chỉ bán thêm khoảng 2 triệu tấn. Đồng nghĩa với việc sẽ còn tồn đọng khoảng 2 triệu tấn trước thềm thu hoạch vụ hè-thu.

Về thu mua tạm trữ, đại diện NHNN tỏ ra băn khoăn khi có 3 trong số 6 DN đã từng trả lại chỉ tiêu thu mua tạm trữ vụ trước (mà 5 trong số đó là không đủ năng lực tài chính) nhưng vẫn được xét chọn vào danh sách tham gia thu mua tạm trữ lần này. Đại diện NHNN đề nghị VFA cần rà soát lại năng lực của 3 DN này. Một số đại biểu cho rằng, việc thu mua tạm trữ dù thể hiện tính hiệu quả, tuy nhiên chỉ nên xem là giải pháp tình thế. Về lâu dài, Bộ NNTNT, Bộ Công thương và VFA cần tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp “căn cơ” hơn để đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. Đặc biệt là việc tổ chức sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo hiện đang triển khai quá chậm, cũng như cần có sự thay đổi chính sách điều hành xuất khẩu gạo hiện nay.

Theo Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24.2.2015, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực quy gạo trong vụ đông-xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL. Thời hạn thu mua từ ngày 01.3 - 15.4.2015. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30.6.2015.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật