Mỹ phát triển tàu ngầm thành ‘tàu sân bay dưới lòng biển’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi công nghệ dò tìm và chống tàu ngầm ngày càng phát triển, nguy cơ tàu ngầm bị tiêu diệt là rất lớn, do vậy Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch phát triển tàu ngầm thành một dạng “tàu sân bay dưới lòng biển” để giành ưu thế về quân sự so với các nước.
Mỹ phát triển tàu ngầm thành ‘tàu sân bay dưới lòng biển’
Đồ hoạ của DARPA về tàu ngầm mini không người lái UUV dùng để săn ngầm

Theo tạp chí The Motley Fool ngày 21.2, cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA của Quân đội Mỹ từ năm 2014 đã đầu tư cho dự án Hydra, theo đó phát triển loại vũ khí mới trên cơ sở kết hợp tính năng ưu việt của tàu ngầm và tàu sân bay. Loại vũ khí này đầy tính im lặng và chết người khi ẩn nấp dưới đại dương như tàu ngầm; nhưng cũng giống như một tàu sân bay, nó sẽ có sức mạnh và khả năng tung ra các đòn tấn công vào nhiều mục tiêu trên đất liền, trên biển và trên không. Nói tóm lại, đó là một dạng tàu sân bay dưới lòng biển.

Vào tháng 1.2015, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA, một tổ chức tư vấn tư nhân) đưa ra các phân tích cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đang bị các nước tìm cách khắc phục. Chẳng hạn tàu sân bay, thế mạnh của Mỹ nay đang là mục tiêu của các vũ khí hiện đại, chẳng hạn loại tên lửa đạn đạo DF-21D “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc. Ngoài ra, các tàu ngầm trên lý thuyết là cách ly khỏi các mối đe dọa của tên lửa, lại có rắc rối của riêng nó.

Chiến lược quốc phòng Mỹ phụ thuộc phần lớn vào lợi thế của Mỹ trong cuộc chiến tranh dưới nước. Tàu ngầm chạy êm là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất của quân đội Mỹ nhằm thu thập thông tin tình báo và khắc chế chiến lược chống tiếp cận/chống thâm nhập (A2/AD). Nhưng các kỹ thuật dò tìm phát hiện mới về tàu ngầm của thế giới đang gia tăng, có thể làm cho hoạt động của tàu ngầm có người lái truyền thống hứng lấy rủi ro trong tương lai.

Cụ thể, CSBA lo ngại rằng các công nghệ từ hệ thống laser tiên tiến và hệ thống dò tìm LED cho đến công nghệ sonar "tần số thấp" so với hiện nay có thể được sử dụng để phát hiện ra các tàu ngầm Mỹ dù đang trang bị các lớp che chắn tàng hình của nó.

Vậy giải pháp là gì? CSBA gợi ý dựa vào những gì DARPA đang làm, đó là phát triển công nghệ để biến tàu ngầm thành một “tàu sân bay dưới lòng biển”.

Nguy cơ lớn nhất đối với tàu ngầm Mỹ là khi tàu rời vùng đại dương và tiến vào vùng biển gần bờ của một quốc gia. Ở đó, tàu ngầm sẽ là con cá lớn trong chiếc ao nhỏ, do đó dễ dàng bị phát hiện hơn.

CSBA cho rằng tàu ngầm có thể tránh được nguy cơ này bằng cách ở lại trong vùng đại dương nước sâu, và phóng các thiết bị không người lái để thực hiện các nhiệm vụ rủi ro gần bờ, Đó là các máy bay không người lái (UAV), tàu không người lái và thậm chí cả tàu ngầm mini không người lái (gọi là UUV - phương tiện di chuyển dưới nước không người lái).

Từ đó, một tàu ngầm sẽ hoạt động như một tàu sân bay dưới lòng biển, một tàu chiến dưới lòng biển, và thậm chí là một tàu ngầm vận tải dưới nước. Một "tàu mẹ" dưới lòng biển như thế sẽ mang theo một kho vũ khí robot để triển khai bất cứ nơi nào cần thiết.

Dự án này thu hút các nhà đầu tư, theo như tạp chí The National Interest nhận xét rằng công nghệ hiện nay khiến các ý tưởng như tàu sân bay dưới lòng biển là "rất khả thi." Các tàu ngầm đang được 2 hãng General Dynamics và Huntington Ingalls đóng có thể được sửa đổi để triển khai các UAV, UUV và tàu không người lái.

Việc sửa đổi như vậy sẽ tốn nhiều tiền của, tất nhiên tạo ra thêm doanh thu cho các nhà thầu. Nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio hiện đã được trang bị công nghệ để triển khai UUV trên lưng nó.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo USS Ohio (SSGN 726) được cải tiến để mang 2 chiếc UUV trên lưng - Ảnh: Hải quân Mỹ

Chiếc UAV có tên XFC rất nhỏ gọn, cánh cụp để phóng đi từ ống phóng ngư lôi và tên lửa hành trình Tomahawk (loại ống phóng thẳng đứng) của tàu ngầm USS Providence (SSN 719) ngoài khơi quần đảo Bahamas trên Đại Tây Dương hồi tháng 8.2013, sau đó 4 cánh của UAV bung ra như chữ X - Ảnh: Hải quân Mỹ

Đồng thời, Hải quân Mỹ cũng đang phát triển nhiều dòng UUV khác nhau về kích thước như loại Echo Ranger nặng 5 tấn của hãng Boeing đến loại Knifefish có hình dạng như quả ngư lôi của hãng General Dynamics nặng khoảng 800 kg…

Trong khi đó, loại UAV cỡ nhỏ đã được tàu ngầm USS Providence (SSN 719) thử nghiệm phóng lên không trung vào tháng 8.2013 ngoài khơi quần đảo Bahamas trên Đại Tây Dương cho thấy các UAV cũng có thể được phóng từ dưới nước thông qua ống phóng ngư lôi của tàu ngầm.

The National Interest đưa ra giả thuyết rằng, với các công nghệ được thực hiện và các khái niệm đã được chứng minh, có thể dẫn đến sự phát triển hoàn toàn mới của một lớp tàu ngầm kiêm “tàu sân bay dưới nước”.

Cho dù Hải quân Mỹ quyết định có thể là đóng tàu ngầm kiểu mới này hoặc chỉ thay đổi nền tảng tàu ngầm hiện có, điều đó cũng hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội cho 2 hãng đóng tàu chiến lớn nhất của Mỹ trong những năm tới. Và sự cần thiết phải phát triển các "máy bay" cho những con tàu ngầm - tàu sân bay như trên cũng có nghĩa là sẽ mang lại nhiều tiền cho các nhà sản xuất các thiết bị tự hành dưới nước.

 

Mẫu UUV tên Echo Ranger nặng 5 tấn của hãng Boeing - Ảnh: Boeing

Mẫu UUV Knifefish có hình dạng như quả ngư lôi của hãng General Dynamics chỉ nặng 800 kg - Ảnh: General Dynamics

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật