Dấu hiệu oan sai trong việc khởi tố giám đốc Cty Việt - Séc sau vụ chìm tàu biển Cần Giờ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ chìm tàu làm chết 9 người vào ngày 2.8.2013 tại biển Cần Giờ, TPHCM đã được cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tàu chở quá số người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động…
Dấu hiệu oan sai trong việc khởi tố giám đốc Cty Việt - Séc sau vụ chìm tàu biển Cần Giờ
Sau tai nạn của tàu H29 trên vùng biển Cần Giờ, Cty Việt - Séc vẫn tiếp tục thực hiện nhiều hợp đồng cung cấp tàu, canô đóng bằng công nghệ và vật liệu mới PPC cho lực lượng vũ trang.

Hành vi của người lái tàu được xác định là “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Tuy nhiên, người lái tàu đã chết trong tai nạn nên Cơ quan CSĐT không khởi tố về hành vi này. Thế nhưng, điều nghịch lý là giám đốc Cty CP Công nghệ Việt - Séc, đơn vị đóng tàu, lại bị khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”(?!).

Liên quan đến vụ án này, Lao Động & Đời sống đã đăng tải bài “Vụ chìm tàu 9 người chết ở biển Cần Giờ: Vì sao giám đốc Cty Việt - Séc liên tục kêu oan?” (số 06 ra ngày 5.2). Lật lại hồ sơ vụ án, PV đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan tố tụng; dấu hiệu oan, sai; cản trở việc áp dụng công nghệ, vật liệu đóng tàu mới vào VN.

Vi phạm tố tụng

Sau hơn một tháng vụ tai nạn xảy ra, ngày 4.9.2013, đại tá Nguyễn Minh Thông - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TPHCM - đã ký quyết định khởi tố bị can với ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty Việt - Séc. Theo quy định của Khoản 4 Điều 126 "Khởi tố bị can" của Bộ Luật tố tụng Hình Sự, trong vòng 24 giờ, quyết định khởi tố bị can phải được gửi đến viện Kiểm sát (VKS) cùng cấp và trong vòng 3 ngày VKS cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.

Thế nhưng, phải đến ngày 23.10.2013, tức là sau 49 ngày, bà Hồ Thị Phấn – Phó viện trưởng VKSND TPHCM - mới ký quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT CA TPHCM. Trong CV gửi đến tòa soạn Báo Lao Động & Đời sống, ông Lê Văn Học - Phó giám đốc Cty Việt - Séc - cho rằng: “Điều này cho thấy cơ quan điều tra đã khởi tố một người khi không có đủ căn cứ để cho rằng người đó đã thực hiện hành vi phạm tội là vi phạm Khoản 1 Điều 126 Bộ Luật TTHS”.

Chưa hết, mặc dù đã được VKSND TPHCM gia hạn điều tra 2 lần và phải kết thúc điều tra vào ngày 4.9.2014 nhưng Cơ quan CSĐT CA TPHCM vẫn chưa thể ra kết luận điều tra “chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm”. Quá bức xúc, ngày 7.9.2014, ông Vũ Văn Đảo đã có đơn gửi đại tá Nguyễn Minh Thông – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TPHCM - đề nghị cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Đảo để ông “có thể dành thời gian giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tạo việc làm cho người lao động”. Thay vì chấp nhận yêu cầu của ông Vũ Văn Đảo, 5 ngày sau, ngày 12.9.2014 đại tá Vũ Minh Thông đã vội vã ký Bản kết luận điều tra số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3 vụ án “Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

“Cố tình”… không biết luật

Cty CP Công nghệ Việt – Séc được thành lập ngày 6.4.2012 theo Giấy chứng nhận đăng ký số 3502101335 của Sở KH&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới Polypropylen – Poslystone Copolyme (PPC).

Theo cáo trạng (số 474/CT-VKS-P1A ngày 17.10.2014) của VKSND TPHCM, “ngày 29.3.2013 Cty Việt - Séc ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 tàu canô cao tốc ký hiệu H29 và H790”. Chiếc H29 chính là chiếc canô chở quá số người quy định và bị đắm ở biển Cần Giờ ngày 2.8.2013, làm 9 người chết.

Bản cáo trạng cho rằng, 2 tàu được bàn giao cho Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, “nhưng do hai tàu này sản xuất bằng công nghệ vật liệu PPC nên chưa được Cục Đăng kiểm VN cấp đăng kiểm”.

Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT CA TPHCM cũng nhấn mạnh: “Mặc dù chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới PPC, nhưng Vũ Văn Đảo vẫn tiến hành sản xuất, bán và sử dụng tàu thuyền công nghệ PPC gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Thế nhưng, thực tế là ngày 16.7.2013, hai tàu này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật với ký hiệu ghi trong giấy đăng kiểm là BP 12-04-02 (tàu H29) và BP 12-04-01 (tàu H790).

Chiểu theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, việc “Đăng kiểm phương tiện” quy định: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ CA, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá; quy định và tổ chức việc đăng kiểm phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá” (Khoản 4 Điều 26).

Như vậy, rõ ràng việc đăng kiểm phương tiện của quốc phòng là do Bộ Quốc phòng quy định. Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho hai tàu H29 và tàu H790 thì tại sao cơ quan tố tụng TPHCM lại “cố” vin vào việc Cục Đăng kiểm VN chưa cấp đăng kiểm cho công nghệ đóng tàu PPC của Cty Việt - Séc để khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”?!.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật