Mở toang cửa thị trường

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong năm 2015, các doanh nghiệp Việt đứng trước những cơ hội chưa từng có để mở rộng thị trường nhưng không ít doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc với tâm lý đầy tự ti
Mở toang cửa thị trường
Kiểm tra chất lượng áo xuất khẩu tại Tổng Công ty CP May Việt Tiến Ảnh: TẤN THẠNH

Cộng đồng kinh tế ASEAN với quy mô 600 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3.000 tỉ USD sẽ chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Cũng trong năm 2015, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam phải cắt giảm thêm đến 90% biểu thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.

Cơ hội hiếm có

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú - Vụ trưởng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) của Việt Nam - đánh giá: Với cộng đồng ASEAN, theo lộ trình hội nhập, các doanh nghiệp (DN) có cơ hội sử dụng đầu vào từ ASEAN để xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu từ ASEAN và tăng xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Myanmar. Hiện nhiều DN của Việt Nam đã nắm bắt lợi thế, đầu tư phát triển thị trường sang 3 nước này.

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội cho DN thúc đẩy xuất khẩu thông qua mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời giúp DN tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiện đã có 2.485 dự án với khoảng 43,77 tỉ USD đầu tư vào ASEAN. Trung bình mỗi dự án vào ASEAN có quy mô 21,6 triệu USD trong khi trung bình 1 dự án tại Việt Nam là 14 triệu USD. Tham gia thị trường kinh tế chung ASEAN cũng giúp đa dạng hóa và cân bằng hơn trong quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Quan trọng hơn, quá trình này tạo các khuôn khổ mới buộc Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế.

Cơ hội lớn từ hội nhập ASEAN sẽ đến hòa chung với cơ hội từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ ký trong 5 năm tới. Các DN đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với đó, sức ép cạnh tranh cũng đến ngay lập tức và trực diện. Trước tiên là sự cạnh tranh lớn về hàng hóa, môi trường đầu tư, nguồn lực… Những ngành đang duy trì chính sách bảo hộ như ô tô, sữa, mía đường, chăn nuôi, thép… sẽ phải chịu sức ép nặng nhất.

Việc gia nhập sân chơi mới với quy mô 57 FTA (bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn, các cường quốc) đòi hỏi DN phải nắm rõ luật chơi, hiểu hơn về đối tác và văn hóa của họ. Và điều kiện tiên quyết nhất để hiểu, để giao tiếp là phải thông thạo ngoại ngữ. Đây chính là một trong những hạn chế lớn của DN Việt.

Chậm chân sẽ lỡ nhịp

Đánh giá 2015 là năm bản lề bước vào giai đoạn hội nhập, tham gia hoàn toàn vào chuỗi liên kết chung của thế giới, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, còn cho rằng DN Việt đang hội nhập sâu rộng vào một thế giới đang biến đổi, đầy rủi ro và bất định. Đây là thế giới của những ông chủ lớn, của những DN lớn.

Một số ý kiến của chuyên gia kinh tế nhận định hiếm nước nào trình độ thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp lại ký kết với những nước phát triển nhất thế giới như Việt Nam. Trong cuộc chơi mới, DN các nước đều chuẩn bị rất ráo riết và tự tin thành công trong khi tại Việt Nam, tỉ lệ này chiếm rất thấp. Các DN quan tâm đến nội dung đàm phán các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  nhưng chỉ chú ý nội dung các cuộc đàm phán mà chưa thực sự nghĩ về cơ hội, thách thức do các hiệp định này mang lại.

Mới đây, tại buổi tọa đàm về chủ đề hội nhập, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tỏ ra lo ngại về việc chuẩn bị hội nhập của DN Việt. Theo Phó Thủ tướng, những cơ hội rất lớn mà cộng đồng ASEAN đã đề ra, DN tư nhân của các nước ASEAN, nhất là các nước đang phát triển, đã nhìn thấy, đầu tư, phát triển thương mại. Nhưng chúng ta dường như chưa nắm bắt được, để cho các DN ASEAN nhảy vào sân nhà và tạo ra thách thức lớn.

Với cộng đồng ASEAN, muốn cạnh tranh, chúng ta phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Các FTA đang có và các FTA sắp ký có tiêu chuẩn rất cao về môi trường, lao động, mua sắm công… Nền kinh tế mở cũng tạo ra cơ hội để Chính phủ phải thể chế hóa luật pháp theo cơ chế thị trường thuận lợi hơn, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, minh bạch; đồng thời DN cũng tận dụng được công nghệ mới do DN nước ngoài mang vào. Nếu DN nào nắm được thách thức, biến thách thức thành cơ hội thì sẽ thành công. Quan trọng nhất là DN phải tăng tính chủ động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật