EC đe dọa trừng phạt Hungary vì ‘ bắt tay’ với Nga

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra thoả thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân giữa Hungary-Nga, trong đó Budapest có thể phải đối mặt với một “sự phủ quyết hoặc lệnh phạt“
EC đe dọa trừng phạt Hungary vì ‘ bắt tay’ với Nga
Thoả thuận được ký kết giữa Hungary - Nga về việc xây dựng các tổ máy thuộc nhà máy điện hạt nhân Paks ở miền trung Hungary đang vấp phải sự phản đối của EC

Hôm thứ Hai (23/2), theo báo cáo từ tờ Financial Times, Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét tính hợp pháp của hợp đồng ký được kết giữa Hungary với Nga về việc xây dựng các tổ máy thuộc nhà máy điện hạt nhân Paks ở miền trung Hungary.

Hôm 9/12/2014, Moscow và Budapest đã ký một hợp đồng xây dựng 2 tổ máy phát điện, thuộc nhà máy điện hạt nhân Paks công suất 1.200 megawatt.

Tuần trước, ông Sergei Kirienko, Giám đốc điều hành Rosatom, cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga, cho biết công trình đã vượt tiến độ và việc khảo sát thực địa dự kiến bắt đầu vào mùa xuân này.

Tuy nhiên, tờ Financial Times đưa tin, Budapest có thể phải đối mặt với một "sự phủ quyết hoặc lệnh phạt" từ Liên minh châu Âu do 2 vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là tính hợp pháp của dự án năng lượng điện nhà nước trợ cấp và hợp đồng được kí kết trực tiếp với Rosatom mà không kêu gọi bỏ thầu. Thứ hai là quyết định của Thủ tướng Hungary Viktor Orban bị cáo buộc nhằm che giấu một số chi tiết của hợp đồng có liên quan đến an ninh quốc gia.

Ủy ban châu Âu (EC) đã cho phép thực thi thỏa thuận giữa Nga - Hungary khi thoả thuận này được ký kết hồi tháng 1/2014.

Brussels đang cố gắng ngăn chặn một dự án năng lượng lớn khác của Nga, với tên gọi Dòng chảy phương Nam, vốn được lên kế hoạch để cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Biển Đen. Vào cuối năm 2014, Moscow hủy bỏ dự án, với lý do lập trường của Liên minh châu Âu EU "không mang tính xây dựng".

Paks là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary, tạo ra hơn 50% sản lượng điện quốc gia của Hungary vào năm 2013.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã kêu gọi EU xem xét lại lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp quốc phòng, ngân hàng, năng lượng của Nga do cáo buộc Moscow giữ vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine; đồng thời, ông kêu gọi cải thiện quan hệ giữa Moscow và EU.

Cùng với ông Orban, một số chính trị gia châu Âu cao cấp, bao gồm Tổng thống Czech Milos Zeman và Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng lên tiếng kêu gọi Brussels dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc không thực thi các biện pháp mới nhằm vào Nga.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật