Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2014 vừa qua đi với những căng thẳng trên Biển Đông. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân khẳng định, Việt Nam sẵn sàng và có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền của mình.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm.

Xin ông đánh giá lại tổng thể sự kiện “Giàn khoan Hải Dương 981” và âm mưu của Trung Quốc khi quyết định thực hiện hành động này?

Có thể khẳng định, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một mắt xích trong chuỗi sự kiện mà Trung Quốc đã và sẽ thực hiện nhằm mục đích độc chiếm Biển Đông và xa hơn là mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ Thái Bình Dương để cạnh tranh, thậm chí là thay thế Mỹ trong vai trò “dẫn dắt” thế giới. Từ hàng chục năm qua, chúng ta biết rằng, Trung Quốc đã theo đuổi học thuyết phát triển trải qua các giai đoạn “Giấu mình chờ thời”; “Trỗi dậy hòa bình” và bây giờ đã đến lúc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” với tham vọng mở “con đường tơ lụa lục địa” hiện tại và tạo nên “con đường tơ lụa trên biển” với chuỗi căn cứ “ngọc trai” trải dài từ ven Biển Đông (khu vực giáp Trung Quốc), qua Biển Đông, Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải.

Tuy nhiên trên thực tế, không có một cường quốc nào ở vào hoàn cảnh “bí bách” như Trung Quốc trong việc tìm một con đường ra biển. Dọc bờ biển phía Đông và Đông Nam của quốc gia này đều bị ngăn chặn bởi các chuỗi đảo của những quốc gia hùng mạnh khác. Do vậy, Trung Quốc cần tìm một điểm để “đột phá”, và Biển Đông đã được họ chọn là một nơi để “thử lòng” các quốc gia lân cận, thử trí tuệ của dư luận quốc tế cùng “phản ứng” của những cường quốc đại dương.

Trong chiến lược này của Trung Quốc sẽ có rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Trong đó, sóng gió trước hết sẽ diễn ra với Việt Nam và Philippines, bởi đây là hai nước trực tiếp tồn tại nhiều tranh chấp trên biển, ngăn cản tham vọng và giành quyền kiểm soát của họ về lãnh thổ, tài nguyên và hoạt động hàng hải, hàng không. Qua những sự việc vừa qua, chúng ta thấy rõ, với mỗi nước, Trung Quốc đã đưa ra những sách lược khác nhau. Không chỉ là giữa nước có biển với nước không có biển, mà ngay cả giữa những nước có biển cũng khác nhau, dù mục đích chung nhất của họ vẫn là phân hóa được khối ASEAN. Có thể nói họ đang thực hiện chiến lược “bẻ đũa” để dần giành quyền kiểm soát trọn vẹn Biển Đông, dần dần đẩy Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ ra khỏi khu vực này.

Theo tôi, bản thân Trung Quốc cũng muốn một Biển Đông “lặng sóng” để họ nhanh chóng vượt lên thành cường quốc số 1 thế giới. Tuy vậy, họ lại muốn sự bình lặng này đến từ thái độ khuất phục của các nước xung quanh. Tôi cho rằng, thay vì ưu tiên sử dụng “quyền lực mềm” như trước, từ nay trở đi họ sẽ ưu tiên dùng “sức mạnh cứng”, và sẽ tiếp tục theo chiều hướng này để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” trên toàn thế giới.

Với những gì đã phân tích ở trên, ông nhận định như thế nào về các đối sách về chủ quyền tại Biển Đông mà Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra thời gian qua và trong thời gian sắp tới?

Với những gì diễn ra trong thời gian qua và kết quả trên tình hình thực tế, tôi cho rằng cách ứng biến của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn thích hợp. Hành động theo luật quốc tế nhưng cương quyết của chúng ta đã cho Trung Quốc thấy Việt Nam sẵn sàng và có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền của mình. Thế giới đã nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia thiết tha với hòa bình và phát triển, là bạn chân thành với các nước và các khu vực trên thế giới. Bạn bè của Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực kiềm chế và chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để duy trì ổn định trong khu vực.

Có thể nói câu trả lời ngắn gọn “vừa hợp tác - vừa đấu tranh” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua khi nói về mối quan hệ với Trung Quốc đã thể hiện rõ đường lối ngoại giao của nước ta. Tôi rất đồng tình với quan điểm này, chúng ta tôn trọng và mong muốn hợp tác với Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn với dân số vĩ đại, đặc biệt đại đa số người Trung Quốc trọng lẽ phải, yêu chính nghĩa, chống cường quyền áp đặt. Nhưng khi họ sai ta vẫn phải đấu tranh không khoan nhượng. Vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua đã cho thấy điều đó và thậm chí trong trường hợp này nếu họ tiến xa hơn thì mình cũng sẽ đấu tranh ở mức độ cao hơn.

Chúng ta rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên cũng như Thủ tướng đã nói, “sẽ nhất định không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Xét trên tổng thể, dù còn nhiều chính kiến khác nhau nhưng theo tôi chúng ta cần giữ mối quan hệ hữu nghị và ổn định với Trung Quốc, vì cho dù thế nào chúng ta và họ vẫn không thể tách rời nhau về địa lý. Bên cạnh đó, họ là một thị trường khổng lồ mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua. Tuy nhiên, mối quan hệ này phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau và cùng có lợi, chúng ta phải luôn kiên định đường lối độc lập – tự chủ toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của chúng ta.

Với những điểm còn bất đồng, hãy ngồi lại để giải quyết bằng thiện chí từ hai bên, phải tìm được tiếng nói chung từ lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tư duy nước lớn có thể  “thôn tính” nước nhỏ hiện đã không còn hợp thời, và nước nào đi ngược lại điều này sẽ tự đặt mình ra khỏi guồng quay của lịch sử nhân loại và nhất định sẽ chuốc lấy thất bại cay đắng.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật