Một Việt kiều nghĩ về ông Nguyễn Bá Thanh: Hãy nhìn vào những điều ông làm!

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người Mỹ có câu “Action speaks louder than words“. Tôi không phải là người Miền Trung đừng nói chi là Đà Nẵng. Tôi không quen biết ông, người con của mảnh đất mộc mạc, chất phát đầy tình người này. Tôi đến Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 2008 tháp tùng với mẹ bọn nhỏ đi tìm mộ chú và kể từ đó tôi đã có tình cảm với mảnh đất này và những con người ở đây.
Một Việt kiều nghĩ về ông Nguyễn Bá Thanh: Hãy nhìn vào những điều ông làm!
Ảnh minh họa

Tôi hãnh diện và mơ ước rằng một ngày nào đất nước Việt Nam mọi nơi sẽ phát triển, sạch đẹp và có lãnh đạo như Đà Nẵng.

Cứ thế, mỗi lần về Việt Nam tuy không có nhiều thời gian nhưng tôi vẫn ghé thăm mộ chú và ghé thăm Đà Nẵng cho dù chỉ một đêm. Mỗi lần ghé thăm Đà Nẵng tôi hiểu thêm vì sao người Đà Nẵng nặng tình, nặng nghĩa với người con vừa về lòng đất mẹ, ông Nguyễn Bá Thanh.

Tôi tìm hiểu về lịch sử của ông và nghe đi nghe lại những bài đọc diễn văn của ông, tôi cảm nhận được thêm ông là người dám nói, dám làm và sống hết lòng vì dân, vì nước. Được lòng dân, mất lòng quan là chuyện thường tình nhưng sống vì dân khi có lựa chọn như ông Nguyễn Bá Thanh là điều rất hiếm hoi.

Sống bao lâu không quan trọng, làm được gì cho đời khi ta có mặt nói lên tất cả. Dĩ nhiên ai cũng sẽ nói thánh nói tướng, lực bất tòng tâm vv... nhưng hãy nhìn vào những điều ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được cho mảnh đất và người dân Đà Nẵng thể hiện được con người của ông.

Mỗi chế độ hoặc triều đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu và nhân vô thập toàn, nhưng nếu chúng ta làm điều tốt nhiều hơn thì những điều khác được xem như "nắm muối" bỏ biển. Những gì người dân Đà Nẵng biểu hiện cho ông, họ không ngại đường xa, thời khắc quan trọng của đất trời, họ đến xếp hàng trật tự, nghiêm túc cả ngày trời trong nắng, trong nước mắt để nói lời chia tay lần cuối là điều càng hiếm hoi của người dân đối với lãnh đạo Việt Nam.

Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, di sản của con người là tất cả. Ông đã ra đi nhưng đã để lại dấu ấn cho đời, để lại tấm gương sáng cho hậu thế. Trước thềm năm mới, trong giờ phút linh thiêng trời đất giao thừa, đất trời hòa hợp và cả nước đang tràn ngập không khí vui nhộn của Tết thì người Đà Nẵng năm nay sẽ có cái Tết khó quên và không trọn vẹn.

Khi họ thắp hương cho đất trời, cho tổ tiên thì họ sẽ thắp thêm một nén hương cho ấm lòng kẻ ở miền xa, người đã sống trọn tình, trọn nghĩa với dân và tuy con tim nóng của ông đã ngừng đập nhưng hình ảnh, tiếng nói, lập trường và lý tưởng của ông sẽ sống mãi trong tiềm thức và tất cả con tim của người Đà Nẵng.

Xin chào tạm biệt người anh mình chưa gặp, chưa quen biết nhưng thân thương hơn bao giờ hết.

Gởi đến anh bài thơ từ người em.
KÍNH ANH!

Tôi với anh không máu mủ ruột rà, không đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp
Anh và tôi chẳng nợ công nợ tội, chẳng nợ tình, nợ bạc, nợ nhân
Mà sao?
Anh bỏ đi, tôi bồi hồi thương xót
Kẻ trên này người nơi ấy. Lạnh không?
Nhớ!
Cái bữa trên sân gôn, tôi gặn hỏi đôi lời: Sau những chiện này, anh thấy họ ra ren?
Anh khẩy cười cười, khẳng khái tâm tư: Zô thì tốt còn không zề cuốc đất. Lồm cho xong mấy việc thiện ở đời! (cuốc đất = chơi golf)

Anh nỡ nào! 
Bỏ dỡ việc ra đi, để Đà Nẵng ngày đầu xuân u uất
Nhớ khi xưa!
Đà Nẵng bé tỳ ti
Muốn qua bên ni Hàn, phải lòng zòng, xa lơ xa lắc
Xóm khổ. Nhà chồ. Đường cong. Ngỏ hẹp
Lỡ nhớ người yêu bên tê, phải hò hẹn chổ Bến phà. (Chia nữa quảng đường, kẻo về khuya mẹ mắng)

Ấy thế mà!
Dưới tay anh bỗng thay da lột xác
Phố xá xênh xang, hàn nối đôi bờ
Gái “Quận boa” bỗng như hoa như ngọc. Nước sông Hàn xanh thẳm giữa lòng dân.
Thiên hạ ác tâm bảo anh tham nhũng
Kẻ độc địa mồm: làm được cứ ăn!!!
Miệng thế gian, ôi trách chấp làm gì?
Ăn là nuốt, là moi cơm người khác, là bòn xương, là lóc thịt dân nghèo
Anh đâu phải hạng người như rứa, chỉ là chia cắt bánh: phân, cho. 
Dẫu biết rằng! 

Ai đó làm quan cả làng được hưởng
Đối đãi người này, bỏ sót người kia

Nhưng!

Nhiều lắm em thơ, giàu chữ, nghèo tiền 
Nhiều lắm chị khó, bầu mang, tình lỡ
Nhiều lắm anh say, đánh vợ do bần
Nhiều lắm cụ già, một đời lam lũ
Cũng nhờ anh mà cuộc sống ấm dần. Thoát cái cảnh: “bần hàn sinh đạo tặc”
Anh ra đi!

Đà Nẵng tiếc thương, lòng dân xoắn lại
Cái tết đến gần, chợt cứ ngỡ xa xôi
Định mệnh ở đời, anh về nơi cực lạc
Xin hãy yên lòng. Đà Nẵng mãi còn anh. 
Trần Hoàng.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật