Những bộ phim điện ảnh soi vào góc tối ở Hollywood

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba phim ra mắt thời gian qua là “Maps to the Stars”, “Nightcrawler” và “Inherent Vice” nối tiếp truyền thống Hollywood - tự phóng chiếu góc khuất của mình lên màn bạc.
Những bộ phim điện ảnh soi vào góc tối ở Hollywood
Bộ phim “Maps to the Stars” gây ấn tượng khi lấy đề tài là mặt trái cuộc sống hào nhoáng ở Hollywood.

Cuối tháng 5/2014, Maps to the Stars gây ấn tượng mạnh mẽ với giới chuyên môn khi ra mắt ở LHP Cannes (Pháp), dự tranh Cành Cọ Vàng, sau đó đem về giải "Nữ diễn viên xuất sắc" cho Julianne Moore. Bộ phim trào phúng của đạo diễn David Cronenberg xoay quanh một gia đình toàn người nổi tiếng điển hình ở kinh đô điện ảnh Hollywood.

Trung tâm câu chuyện là một ngôi sao nhí 13 tuổi, vừa hoàn thành chương trình giáo dưỡng nhân phẩm, đến trường quay luôn ảo tưởng về danh tiếng, có lúc bó‌p c‌ổ bạn diễn non tuổi hơn, gây ra lùm xùm khiến bố mẹ cậu phải giải quyết. Cùng lúc, bố mẹ và chị gái của cậu cũng rơi vào vòng xoáy của những bi kịch riêng.

Giữa các lời khen của giới chuyên môn, nhà phê bình Robbie Collin đánh giá phim trên The Daily Telegraph: “Đằng sau những tiếng cười, phim cho người xem thấy giấc mơ Hollywood đôi khi trở thành ác mộng”.

Tháng 10, bộ phim đầu tay của đạo diễn Dan Gilroy là Nightcrawler ra rạp rộng rãi ở Bắc Mỹ và được đón nhận nồng nhiệt. Trong phim, Jake Gyllenhaal vào vai một gã trộm cắp quyết định chuyển nghề phóng viên truyền hình Mỹ chuyên săn tin giật gân. Y sẵn sàng vượt qua ranh giới đạo đức, thậm chí sát hại đồng nghiệp, để có những câu chuyện rùng rợn ăn khách. Tác phẩm được viện phim Mỹ xếp vào “Top 10 phim Mỹ” năm 2014, thu về 26 giải thưởng và 45 đề cử cho êkíp sáng tạo, trong đó có đề cử Quả Cầu Vàng cho Jake Gyllenhaal.

Đầu tháng 12, nhà làm phim nổi tiếng Paul Thomas Anderson ra mắt Inherent Vice. Bộ phim hài Hình Sự này kể về hành trình của một thám tử tư đi tìm cô bạn gái cũ mất tích ở Los Angeles, để rồi khám phá những mặt trái không ngờ của thành phố kinh đô điện ảnh.

Maps to the Stars, NightcrawlerInherent Vice không phải là những phim đầu tiên đề cập đến mặt tiêu cực của Hollywood. “Sợi chỉ đã có ở đó kể từ khi Hollywood được thành lập”, Tiến sĩ Tamar Jeffers McDonald tại trường University of Kent nhận định trên BBC.

Bà dẫn giải: “Marion Davies từng tham gia phim Show People (Kẻ trong nghề) năm 1928 chứa đầy sự châm biếm về nghề làm phim. Năm 1932, bộ phim What Price Hollywood? (Hollywood đắt cỡ nào?) ra đời kéo theo phiên bản làm lại A Star is Born. Bộ phim kể về hai hành trình trái ngược nhau trong đó một cô hầu bàn trở thành sao nổi tiếng giành Oscar, còn đạo diễn cho cô vai viễn đột phá lại có sự nghiệp xuống dốc, nghiện ngập rồi t‌ּự vẫ‌ּn. Câu chuyện về mặt trái của Hollywood là chuyện được kể đi kể lại”.

"Nightcrawler" kể về nhân vật phóng viên săn tin lá cải.

Phần nào, phim Hollywood kể về Hollywood là sự phản ánh cuộc sống. Bởi Hollywood chưa bao giờ thiếu những scandal rúng động, và nhiều trong số chúng đã được chuyển trực tiếp lên phim. Bạn trai minh tinh nổi tiếng một thời Lana Turner là người trong giới xã hội đen. Ông chính là nhân vật trong phim L.A. Confidential ăn khách. Cái chết bí ẩn của nhà sản xuất cự phách Thomas H Ince cũng từng là chủ đề cho phim The Cat’s Meow.

Một trích đoạn của Bố Già (The Go‌dfather) mô tả nhà sản xuất điện ảnh bị ép phải cho con trai của bố già vai diễn lớn. Đoạn trích này dựa trên tin đồn rằng ca sĩ Frank Sinatra làm thế để xin vai diễn trong phim From Here to Eternity, nhờ đó ông nhận được giải Oscar cho “Nam diễn viên phụ xuất sắc”.

Sức hấp dẫn của mặt trái ngành giải trí

Không khó hiểu tại sao người xem thấy hấp dẫn với những câu chuyện lột trần mặt trái Hollywood. Khi các nhà làm phim đưa ra một phim phản biện chính họ, người xem được nhìn qua bức màn vào thế giới quyền lực ngầm và cả sự xuống cấp nào đó. Chính các nhà làm phim cũng luôn hứng thú “vạch áo cho người xem lưng”. Bộ phim Sunset Boulevard (1950) của đạo diễn Billy Wilder kể về một nữ hoàng phim câm hết thời nhưng ảo tưởng dụ dỗ một biên kịch kém tài viết cho mình một kịch bản nhằm lấy lại hào quang, để rồi kéo cả hai vào bi kịch. Khi đó, Hollywood không thấy bị xúc phạm mà còn nồng nhiệt đón nhận và phim giành ba giải Oscar trong số 11 đề cử.

Bộ phim “Sunset Boulevard” là phim kinh điển về sự phù phiếm và hào nhoáng của ngành giải trí.

Năm 1992, không ai ở Hollywood thấy bực vì phim The Player của đạo diễn Robert Altman ra mắt. Tác phẩm kể một giám đốc hãng phim lớn bắn chết một biên kịch, đả kích sâu cay việc sản xuất phim giải trí nhiều phần chỉ để kiếm tiền của Hollywood. Sau khi ra mắt, The Player thu về nhiều giải thưởng và đề cử, đưa Robert Altman trở lại danh sách đạo diễn hạng A. Dường như, khi phim về Hollywood càng trần trụi, lại càng có nhiều tiếng vỗ tay từ chính giới sao và các nhà làm phim ở nơi này.

Theo bà Tamar Jeffers McDonald: “Sự đón nhận nồng nhiệt các tác phẩm nói về mặt trái của chính Hollywood không hẳn là sự tự ý thức của người nổi tiếng. Có thể bởi những phim làm ra với mục đích lột tả mặt tiêu cực đáng sợ của Hollywood, thực chất cải thiện hình ảnh cho kinh đô ánh sáng”.

Tiến sĩ Peter Kramer, tác giả cuốn sách The New Hollywood: From Bonnie and Clyde to Star Wars chia sẻ: “Dù những phim này cho bạn thấy bạn sẽ phải trả giá khủng khiếp để đến được Hollywood, chúng không ngăn cản giấc mơ Hollywood của bạn, mà làm bạn càng mơ nhiều hơn. Bằng cách phơi bày thất bại và những điều báng bổ của những kế hoạch tội ác cũng như những bi kịch khủng khiếp, các phim này khiến Hollywood trong mắt người xem giống như vương quốc thần kỳ hơn”.

Tiến sĩ Kramer nói: “Ngay cả các đạo diễn làm phim lột trần Hollywood như David Lynch và Robert Altman cũng là những người rất yêu Hollywood”, tiến sĩ Kramer khẳng định. “Để làm được những phim như Mulholland Drive hay The Player, người ta cũng phải đầu tư cho nó, cả về tình cảm và tinh thần”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật