Mercedes và Red Bull bất đồng về dự án xe F1 thế hệ mới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai đội đua giàu ảnh hưởng không đồng thuận về lối đi của dự án thiết kế loại xe F1 ở các mùa tiếp theo, vốn được Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) xây dựng nhằm lấy lại sức hấp dẫn của môn thể thao tốc độ này.
Mercedes và Red Bull bất đồng về dự án xe F1 thế hệ mới
Giám đốc điều hành Red Bull (Christian Horner, trái) và Mercedes (Toto Wolff, phải). Ảnh: Formula 1.

Tất cả các đội đua đều đồng ý với dự án tạo ra chiếc xe F1 hấp dẫn và dễ nhìn hơn hiện tại. Nhưng bất đồng lại nảy sinh khi bàn về thời điểm áp dụng các quy định của dự án trên. Red Bull muốn dự án trở thành hiện thực ngay từ mùa giải 2016, còn Mercedes lại cho rằng dự án mới chỉ nên áp dụng sớm nhất là tại thời điểm 2017 nhằm giúp các đội đua có thời gian chuẩn bị kỹ càng.

Cuộc họp cấp cao giữa các đội đua F1 do FIA tổ chức vào ngày 13/2 về cơ bản đã thống nhất được các quy định cơ bản của dự án tạo ra chiếc xe F1 hấp dẫn hơn. Vào ngày 17/2, Ủy ban F1 sẽ nhóm họp để thông qua bản dự thảo quy định của dự án mới này.

Các thay đổi mấu chốt của xe F1 so với thời điểm hiện nay: Chiều rộng xe được nâng từ mức 1800mm hiện nay lên 2000mm (bằng chiếc xe năm 1997) và cánh sau thấp hơn; Lốp sau rộng hơn; Công suất động cơ sẽ được tăng từ mức 850bhp hiện nay lên ít nhất thành 1000bhp.

Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn chưa thống nhất và chứng minh được ba vấn đề quan trọng sau:

Thời điểm sử dụng loại xe mới

Red Bull là đội sốt sắng nhất với việc yêu cầu FIA chỉnh sửa các quy định cả về xe lẫn lốp F1 từ năm 2016. Giới phân tích cho rằng đội đua Áo muốn giảm sức mạnh hiện tại của Mercedes (đang áp đảo F1 từ đầu năm 2014, từ lúc chuyển sang dùng loại động cơ mới) bằng việc vận động chuyển sang sử dụng loại xe mới.

Đề xuất của Red Bull nhận được sự ủng hộ không chỉ từ đa số các đội đua, mà còn từ cả ông trùm Bernie Ecclestone lẫn FIA. Trong khi đó, Mercedes lại phản đối mạnh mẽ việc sớm sử dụng loại xe mới. Đội đua nước Đức cho rằng FIA nên tìm hiểu kỹ đòi hỏi của người hâm mộ trước khi áp dụng đề án này.

Mong muốn sớm có một chiếc xe F1 hấp dẫn, thu hút khán giả hơn nữa bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn khi người hâm một dần rời xa môn thể thao này  những năm gần đây. Theo một số báo cáo, lượng khán giả theo dõi trực tiếp các cuộc đua F1 đã suy giảm đáng kể ở những thị trường truyền thống và quan trọng như tại lục địa châu Âu (Đức, Pháp, Italy,…) dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Anh và Mỹ. Số lượng khán giả theo dõi trên toàn thế giới đã giảm từ 600 triệu vào năm 2008 xuống còn 425 triệu vào năm 2014.

Dù yêu cầu thay đổi là rất cấp bách, Mercedes vẫn cho rằng việc sớm áp dụng đề án thay đổi xe F1 sẽ khiến nhiều đội đua không còn tập trung cho việc phát triển phiên bản xe 2015 để chuyển hướng sang phát triển loại xe mới vì thời gian chuẩn bị sẽ là rất ngắn nếu áp dụng đề án ngay từ năm 2016. Đội đua nước Đức cho rằng ngay cả mốc thời gian năm 2017 vẫn là quá sớm để hiện thực hóa dự án mới, nhưng vẫn còn là khả dĩ hơn khi các đội có thời gian đủ dài để chuẩn bị kỹ càng.

Trong khi Red Bull và Mercedes đang đứng ở hai thái cực đối nghịch nhau, thì Ferrari lại đưa ra một hướng đi dung hòa hai luồng ý kiến trái ngược trên. Đội đua Italy cho rằng năm 2017 nên là thời điểm áp dụng những thay đổi chủ yếu của đề án trên, nhưng một số thay đổi nhỏ sẽ được áp dụng ngay từ mùa giải 2016.

Bên cạnh việc xây dựng chi tiết của đề án mới, các đội đua cũng sẽ ngồi lại bàn bạc chi tiết về hồ sơ yêu cầu dành cho nhà cung cấp lốp xe F1 sau khi hợp đồng hiện tại với Pirelli kết thúc vào cuối năm 2016. Theo đó, loại bánh xe đường kính 18 inch hoặc 20 inch có thể sẽ thay thế cho bánh13 inch hiện nay, tỷ lệ giữa chiều dầy và chiều rộng lốp cũng sẽ giảm đi.

Liệu dự án mới sẽ có hiệu quả?

Ngoài sự đồng thuận về việc tăng chiều rộng của xe và lốp, nâng công suất của động cơ, dự án mới chưa hề được xây dựng chi tiết. Điều này khiến nhiều nhà phân tích nghi ngờ tính khả thi của đề án tạo rao loại xe F1 hấp dẫn hơn. Dự án của FIA dựa trên ý tưởng trở lại với thiết kế xe F1 tại thời điểm 1992-1993, vốn được người hâm mộ đánh giá cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế xe ở giai đoạn 1992-1993 chỉ hấp dẫn với lứa khán giả bắt đầu theo dõi F1 tại thời điểm đó. Giám đốc điều hành đội đua Mercedes, Toto Wolff cho rằng FIA nên tìm hiểu kỹ hơn thị hiếu của các khán giả trẻ tuổi hiện nay thay vì rập khuôn theo thị hiếu của hơn 20 năm trước. Liệu các khán giả hiện nay có còn thích thú kiểu xe lúc đó hay không?

Một chiếc xe F1 phiên bản 1993, chiếc FW15c của đội Williams. Ảnh: Formula 1.

Nên sử dụng loại động cơ nào?

Ông trùm nắm bản quyền thương mại F1, Ecclestone là một người phản đối kịch liệt loại động cơ tăng áp V6 dung tích 1,6 lít tiết kiệm nhiên liệu. Ông cho rằng loai động cơ này đắt đỏ và có âm thanh quá nhỏ so với loại động cơ V8 dung tích 2,4 lít.

Dù Ecclestone phản đối mạnh mẽ, bốn nhà sản xuất động cơ Mercedes, Ferrari, Renault và Honda cho rằng nên giữ kiểu động cơ hiện tại, theo đó hệ thống thu hồi năng lượng ở cả trục sau lẫn bộ tăng áp được tiếp tục áp dụng. Họ cho rằng loại động cơ tăng áp hiện nay phù hợp với xu thế phát triển công nghệ động cơ trên dòng xe phổ thông.

Chủ tịch đội đua Ferrari, Sergio Marchionne ban đầu đề xuất thiết kế động cơ tăng áp mới, theo đó động cơ mới sẽ là V8 tăng áp, dung tích 1,9 lít. Marchionne cho rằng loại động cơ này sẽ rẻ hơn động cơ hiện nay. Nhưng sau đó ông rút lại đề xuất, khi hiểu rằng nếu thay đổi kiến trúc động cơ sẽ càng giúp Mercedes bỏ xa các đội đua còn lại vì động cơ chính là thế mạnh của đội đua nước Đức.

Mercedes thì cho rằng nên bỏ giới hạn mức nhiên liệu tiêu thụ. Họ cho rằng việc bỏ giới hạn này sẽ giúp tăng công suất của động cơ, hiện nay đang ở mức 850-900 bhp. Red Bull phản đối đề xuất của Mercedes vì thay đổi này cũng sẽ là quá tốn kém với các nhà sản xuất động cơ, đặc biết là với Renault, nhà cung cấp động cơ cho Red Bull. Đội đua nước Áo đề nghị nên không cho nâng cấp hệ thống hybrid của động cơ, ngoại trừ nửa trên của động cơ như nắp xi lanh, van nạp, van xả,…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật