Người dân thiếu kiến thức về động đất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm qua 12/3, tại Hà Nội, hơn 150 các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, những người tham gia công tác cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo về nguy cơ động đất tại Việt Nam do viện Phát triển Công nghệ, Truyền thông và Hỗ trợ cộng đồng (IMC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Hội thảo nhằm cung cấp các thành tựu mới nhất về khả năng dự báo động đất của các quốc gia trên thế giới, đánh giá bối cảnh kiến tạo địa chất ở Việt Nam và nguy cơ xảy ra động đất; đồng thời các nhà khoa học cũng kiến nghị các giải pháp phòng ngừa và đối phó trong trường hợp xảy ra động đất. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức còn muốn nâng cao nhận thức cho cộng đồng và trang bị những kiến thức cần thiết trong trường hợp xảy ra động đất.

Trong những năm gần đây, động đất và nguy cơ động đất đã trở thành mối quan tâm lớn không những của các nhà khoa học mà còn cả các nhà hoạch định chính sách và toàn thể xã hội, đặc biệt là sau sự kiện sóng thần ở Nam Á tháng 12/2004 và trận động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 12/5/2008. Lãnh thổ Việt Nam thuộc vị trí địa lý có kiến tạo địa chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ động đất cao và trên thực tế động đất vẫn thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Thống kê của viện Vật lý Địa cầu cho thấy, chỉ tính từ năm 1989 đến 2002, trên lãnh thổ nước ta đã có ít nhất 18 trận động đất có cường độ trên 5 độ Richter, đáng chú ý là trận động đất 6,7 độ Richter ở Tuần Giáo, Điện Biên vào tháng 6/1983 và gần đây nhất là trận động đất 4,5 độ Richter tại Lai Châu đầu tháng 3/2008.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng: Mặc dù các trận động đất đó chưa gây ra những thiệt hại đáng kể nhưng đã khiến cộng đồng tại các khu vực bị ảnh hưởng địa chấn hoang mang, bộc lộ sự lúng túng trong việc ứng phó với động đất của đại bộ phận dân cư. Do vậy, việc phổ cập kiến thức về động đất cho người dân và hướng dẫn cách xử lý tình huống để tự bảo vệ mình là hết sức cần thiết.

Các đại biểu cũng kiến nghị cần phải kết nối thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học vào công tác hoạch định chính sách của các nhà lãnh đạo, quản lý trong việc đề ra một chiến lược đồng bộ, gắn kết nhằm đối phó với thảm họa động đất có nguy cơ xảy ra tại Việt Nam.
TTVH
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật