Thị trường hoa lan Tết: ‘Tiền nào của nấy’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện trên các tuyến phố Hà Nội đã trưng bày nhiều mặt hàng hoa Tết, ngoài những loại hoa trồng trong nước còn có những loại hoa được nhập từ các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc...
Thị trường hoa lan Tết: ‘Tiền nào của nấy’
Lan Hồ điệp nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc được bán tràn ngập trên các tuyến phố Hà Nội.

"Hố" vì mua hoa ngoại

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm nay nguồn cung ứng hoa phục vụ thị trường Tết chủ yếu vẫn là Đà Lạt và Sa Pa. Trong khi đó, hoa ngoại nhập lại có nguồn cung ứng khá đa dạng và phong phú, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... nhưng nguồn nhập hoa lớn nhất của các tiểu thương vẫn là Trung Quốc.

Ngoài những loại hoa truyền thống như: Đào, quất, mai... được các nhà vườn trong nước tung ra thị trường để phục vụ người dân chơi Tết. Trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại hoa như: Lan hồ điệp, ly, mai đỏ... được nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc...

Khảo sát thị trường hoa trên địa bàn Hà Nội, dọc những chợ hoa, phố hoa lớn như: Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Ngưu… những loại hoa cảnh có xuất xứ từ Trung Quốc như: Đỗ quyên, hồng trà, các loại lan… được bày bán khá đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hoa cho biết, những loại hoa nhập từ Trung Quốc, Đài Loan có giá rẻ thường là hàng kém chất lượng, nhanh tàn, nụ thường bị héo do thời tiết không phù hợp. Anh Trần Văn Tuấn, một chủ cửa hàng kinh doanh hoa trên đường Láng- Hà Nội cho biết: "Người tiêu dùng đi mua hoa thấy màu sắc bắt mắt, giá rẻ thì mua về chơi. Nhưng những loại hoa giá rẻ nhập từ Trung Quốc này mua về chỉ chơi được vài ngày là hoa bắt đầu héo".

Tết năm ngoái anh Lê Quốc Hưng (Đống Đa- Hà Nội) có mua một chậu lan Hồ Điệp được nhập khẩu từ Đài Loan về chơi nhưng đến ngày 30 hoa bắt đầu héo. Anh Hưng cho biết: "Thấy người bán hàng quảng cáo lan Hồ điệp nhập từ Đài Loan đẹp nhất nên cũng mua về chơi, nhưng chỉ được vài ngày hoa bắt đầu héo rũ, tôi lại phải vội vàng tìm mua loại hoa khác để thay thế".

Thực tế từ nhiều năm nay các loại hoa cây cảnh có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã tràn ngập ở các cửa hàng hoa trong nước do giá giả rẻ, nhiều mẫu mã phong phú. Trong khi đó, “tâm lý dân chơi bình dân chỉ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng thì mua, chứ ít khách hàng hỏi nguồn gốc xuất xứ" chị Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng hoa trên đường Bưởi- Hà Nội chia sẻ.

Hoa nội ít được quảng bá

Khi mà hoa ngoại đang chiếm nhiều ưu thế, thì các loại hoa trong nước lại có giá khá cao. Như cùng một loại hoa địa lan, hàng được nhập từ Đà Lạt giá khoảng 300-400 nghìn đồng/cành, hoa nhập từ Sa Pa có giá 500-700 nghìn đồng/cành trong khi đó hàng nhập từ Trung Quốc chỉ có giá khoảng 200 nghìn/cành. Với giá cả này thì mỗi chậu địa lan trong nước giá lên tới cả chục triệu đồng, trong khi những loại hoa có giá rẻ hơn lại không thể đáp ứng được hết nhu cầu của những người có thu nhập thấp.

Địa lan Trầm Mộng được trồng ở Sapa có giá từ 500.000 đến 700.000 đồng/cành.

Trao đổi cùng phóng viên báo Hải quan, ông Đặng Văn Đông, viện Nghiên cứu rau quả- Bộ NN-PTNT cho biết: "Nhiều người tiêu dùng khi đi mua hoa chỉ chú ý đến mẫu mã và màu sắc hoa ít chú ý đến nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, hoa trong nước màu sắc và mẫu mã không bằng hoa ngoại nên khi mua hoa về chơi được vài ngày thấy có hiện tượng héo nụ, nhanh tàn mới biết mua phải hoa Trung Quốc".

Theo ông Đông, từ những nhược điểm của hoa ngoại mà người tiêu dùng đang hướng đến chơi các loại hoa trong nước sản xuất. Tuy nhiên, hiện hoa nội không đủ cung ứng ra thị trường nên không thể đáp ứng hết các nhu cầu của người tiêu dùng.  Từ đầu tháng Chạp các vườn sản xuất hoa ở Hà Nội đã có khách đến đặt mua hoa và vào khoảng giữa tháng Chạp hoa tại các vườn đã hết.

"Mặc dù, hoa trong nước được đánh giá có độ bền hơn, chơi được lâu nhưng lại ít được người tiêu dùng biết đến. Một phần do các vườn hoa chưa chú trọng đến khâu quảng cáo, tiếp thị để người tiêu dùng biết đến những loại hoa sản xuất trong nước", ông Đăng Văn Đông lý giải.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật