Tẩy chay là việc của dân

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tẩy chay, hoặc kêu gọi tẩy chay đối với các hình thức giao dịch, hoạt động mang tính kinh doanh trên thị trường chỉ được coi là hợp pháp khi người tẩy chay, kêu gọi tẩy chay không phải là Nhà nước.
Tẩy chay là việc của dân
Bộ trưởng Đinh La Thăng đi kiểm tra công tác bán vé xe tết tại bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 3-2 Ảnh: Mậu Trường

Chính phủ đang tích cực vận động Mỹ, EU sớm công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Đã là kinh tế thị trường thì mỗi doanh nghiệp phải được bảo đảm có quyền tự do định đoạt giá cả. Không có nó, cũng không có quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp; không có quyền tự do này, tất nhiên cũng không thể có kinh tế thị trường.

Giá cả sẽ được doanh nghiệp quyết định căn cứ vào quan hệ cung - cầu, vào hoạt động cạnh tranh trên thị trường và phải tự chịu trách nhiệm, chịu hậu quả cho quyết định của mình.

Người tiêu dùng là tác nhân hoạt động trên thị trường, tác động trực tiếp đến quan hệ cung cầu, đến cơ chế và kết quả hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Quyền tẩy chay không sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó là quyền lựa chọn tiêu dùng chính đáng của họ.

Kêu gọi tẩy chay cũng là một trong các hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận được hiến pháp bảo đảm. Nhưng, như bất kỳ một quyền nào khác, cũng có các điều kiện để những quyền này được xem là hợp pháp hay không.

Tẩy chay, hoặc kêu gọi tẩy chay đối với các hình thức giao dịch, hoạt động mang tính kinh doanh trên thị trường chỉ được coi là hợp pháp khi: a) người tẩy chay, kêu gọi tẩy chay không phải là Nhà nước, cơ quan công quyền, doanh nghiệp, hoặc nhóm doanh nghiệp; b) gây sức ép, đòi hỏi không chính đáng đối với người bị tẩy chay.

Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm một môi trường tự do cạnh tranh, trong đó doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, sao cho ai thông qua hoạt động quản lý, kinh doanh có hiệu quả sẽ tung ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá thành thấp nhất so với đối thủ và vì vậy sẽ giành được nhiều người tiêu dùng hơn.

Để thực thi nghĩa vụ này, Nhà nước (các cơ quan công quyền) phải giữ được vị thế trung lập, không được phép có bất kỳ một hoạt động nào có thể gây thiên vị. Luật cạnh tranh cũng nghiêm cấm cơ quan quản lý nhà nước phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (điều 6, khoản 2); cấm cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp (điều 6, khoản 4).

Ý kiến vận động người dân tẩy chay các doanh nghiệp vận tải không chịu hạ giá cước vận chuyển của Bộ trưởng Đinh La Thăng phải được xem là ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực mà ông có thẩm quyền do được Chính phủ ủy quyền, vì được phát biểu khi ông bộ trưởng đang thực thi công vụ.

Điều này là không phù hợp do: a) cơ quan công quyền không được phép kêu gọi tẩy chay; b) có phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp vận tải không hạ giá do tin vào quyền tự do định đoạt giá của mình với doanh nghiệp hạ giá theo yêu cầu của Chính phủ (vi phạm điều 6, khoản 2, Luật cạnh tranh); và c) cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp vận tải không hạ giá do bị hành khách tẩy chay (vi phạm điều 6, khoản 4, Luật cạnh tranh).

Một trong những khác biệt căn bản giữa nền kinh tế kế hoạch (tập trung hoặc bán tập trung) với một nền kinh tế thị trường (tự do, hoặc mang tính xã hội) là giá cả. Nếu ở nền kinh tế kế hoạch giá cả do Nhà nước quyết định hoặc kiểm soát, thì ở nền kinh tế thị trường do thị trường và cạnh tranh lành mạnh quyết định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.

Vì vậy, để không phải lặp lại các vấn nạn bất hợp lý về giá xăng dầu, giá sữa, giá vận tải... điều cần thiết nhất là phải bảo đảm cho doanh nghiệp một môi trường cạnh tranh tự do và buộc họ phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng cao, giá thành hạ, chứ không phải bằng cách gây sức ép.

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật