“Đừng bắt người dân còng lưng gánh khoản lỗ 17.000 tỷ của EVN ”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết ý kiến tăng giá điện cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi là nặng về lí thuyết, thiếu cơ sở thực tế
“Đừng bắt người dân còng lưng gánh khoản lỗ 17.000 tỷ của EVN ”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tăng giá điện cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Thứ trưởng còn cho biết đã Bộ Công Thương đã nhận được dề xuất của EVN là tăng 9,5%.

PV: Việc tăng giá điện Chính phủ, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi có thỏa đáng không khi người dân, doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn cho chi phí giá điện, thưa ông?

Ông Ngô Trí Long: Quan điểm này muốn nêu lên một lí thuyết là giá điện tăng mới thu hút được đầu tư nước ngoài, hiện nay giá điện thấp quá nên khó thu hút đầu tư. Khi các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thì khả năng cạnh tranh sẽ lớn. Nguyên tắc của nền kinh tế là khi cạnh tranh lớn thì sẽ dẫn đến giảm giá thành. Giá thành giảm thì giá bán giảm và người dân được lợi.

Theo tôi, điều này không có cơ sở bởi điện có 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối. Trong 3 khâu đó thì khâu truyền tải không thể cạnh tranh. Chính phủ đã có dự án đến năm 2020 có một thị trường phát điện cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, việc mua điện chưa cạnh tranh EVN vẫn độc quyền được giá điện.

Nói do giá điện thấp nên các nước không đầu tư là không chính xác bởi hai năm qua EVN đều có lãi, vì vậy quan điểm bán giá điện thấp hơn giá thành là không chính xác. Mặc dù chưa thực sự lãi cao do khâu quản lý kém, năng suất lao động cao, thất thoát lớn.

Giá điện của từng nước còn phụ thuộc vào chi phí của từng nước, do vậy cần so sánh với mặt bằng thế giới. Thủy điện của VN chiếm gần 40%, thủy điện giá thành thấp, đầu tư ban đầu lớn.

Thủ tướng đã từng yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, tránh thất thoát điện năng. Vì vậy, rất cần có cơ quan tư vấn và kiểm toán độc lập để xác định EVN lời lỗ thực sự ra sao.

PV: EVN đã đề xuất tăng 9,5%, ông đánh giá như thế nào về mức tăng này?

Ông Ngô Trí Long: EVN đề xuất tăng giá điện lấy được là dựa trên khuyến cáo của Ngân hàng thế giới (WB) giá điện VN phải tăng 40% trong vòng 3 năm tới.

Giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, nó tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất tiêu dùng. Trước đây, mỗi lần tăng giá điện phải là Bộ chính trị, cơ quan cấp cao quyết định. Hiện nay phải là Thủ tướng quyết định.

Trong bối cảnh hiện nay, EVN đòi tăng giá điện do không bù đắp đủ chi phí. Nếu không tăng giá điện thì không đủ chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy Nhà nước vẫn phải hỗ trợ, vẫn là tiền của dân.

Mức tăng bao nhiêu cần có sự đòi hỏi, kiểm tra một cách chính xác. Hiện nay đưa lên 10, 15 hay 20% dường như vẫn là cảm tính. Theo quy định của Chính phủ, 3 tháng giá điện điều chỉnh 1 lần, có thể tăng hoặc giảm. Nhưng từ trước đến nay, giá điện chỉ có tăng chứ chưa có giảm.

Các yếu tố đầu vào cấu thành gồm chi phí sản xuất, tiền lương lao động, chi phí quản lý, tỷ giá … EVN dựa trên đánh giá của WB là chưa chính xác

PV: EVN tính tổng nợ là 16.800 tỷ đồng, trong đó lỗ trong quá khứ là 8.000 tỷ. Ông đánh giá như thế nào về mức nợ này?

Ông Ngô Trí Long: Nợ cũ của EVN là nợ do quản lý yếu kém. Nợ lũy tiến đến nay phải xử lý. WB cũng chiếm số nợ lớn trong đó. NSNN đang thâm hụt nên cũng không thể lấy ngân sách ra bù lỗ, chỉ có cách tăng giá, thu lãi và bù nợ. Hiện EVN đang nợ WB rất lớn, điều đó đặt ra là quan điểm của WB có khách quan không và có đúng không?

PV: Việc giá điện tăng 9,5%, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Ông Ngô Trí Long: Hiện nay CPI đã giảm 3 tháng liên tục: tháng 11 là 0,27%; tháng 12 là 0,24% và tháng 1 là 0,2%. Nhưng không phải vì thế mà đẩy chi phí các yếu tố đầu vào tăng lên. Giảm giá là do tổng cầu yếu, sức mua yếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, đầu ra yếu nên doanh nghiệp phải giảm giá. Trong bối cảnh hiện nay, tăng giá điện 9,5% làm cho chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành tăng.

Giá thành tăng cao sẽ làm cho doanh nghiệp tăng lỗ, trong khi đây là lực lượng nòng cốt tạo ra tăng trưởng.

Về mặt kinh tế, khi doanh nghiệp lỗ quá nhiều sẽ dẫn đến phá sản gây ra tình trạng thất nghiệp. Như vậy sẽ dẫn đến các hệ lụy xã hội, người tiêu dùng bị móc túi nhiều hơn. Tăng giá điện bao nhiêu cần cực kỳ cân nhắc thận trọng, không thể vì lỗ quá khứ mà tăng. Đừng bắt người dân phải còng lưng gánh khoản lỗ do quản lý yếu kém của EVN trong quá khứ.

Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Khi hội nhập phải xem xét, căn cứ trên khu vực. Tụt hậu không còn là nguy cơ mà là hiện hữu. Trong các thách thức giá dầu giảm là những cơ hội lớn. Do vậy cần nắm bắt được cơ hội này, tạo ra cơ hội bởi doanh nghiệp Việt vừa trải qua một thời kỳ dài khó khăn và hiện nay vẫn còn khó khăn.

PV: Tăng giá điện chi phí đầu vào tăng. Trong bối cảnh VN gia nhập các hiệp định thương mại như TPP, AEC thì điều này có làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam không?

Ông Ngô Trí Long: Chi phí đầu vào tăng thì khả năng cạnh tranh giảm, thu hút đầu tư giảm. Giá điện tăng thì chỉ thu hút đầu tư vào ngành điện, trong khi những ngành khác lại gánh chi phí quá cao.

Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn nhiều do năng suất lao động thấp, trình độ không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề ra chỉ đạo thu hút nhân tài trong thời gian tới, làm trụ cột cho nền kinh tế.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật