Ukraine thảm hại trên chiến trường, thế cờ lạnh của Mỹ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù Ukraine đang ngày càng thể hiện sự yếu kém của mình trước ly khai, nhưng lý do nào khiến Washington vẫn chưa chịu nhả vũ khí?
Ukraine thảm hại trên chiến trường, thế cờ lạnh của Mỹ
Người dân tại một điểm bị pháo kích của quân chính phủ ở Donetsk giận dữ kể lại những gì đã xảy ra

Sự thảm hại của Kiev

Sau khi đàm phán ở Minsk đổ vỡ, chiến sự ở miền Đông Ukraine ngày càng leo thang. Người ta đã thấy sự xuất hiện của các hoạt động không kích của quân đội Ukraine, điều mà vài ngày trước lực lượng này đã không sử dụng.

Tuy nhiên, dù bằng phương tiện chiến tranh nào, cái mà Kiev nhận được vẫn chung một kết quả không tốt đẹp. Khi Kiev muốn đấu pháo, ngày 2/2/2015 Ukraine đã 63 lần pháo kích vào các địa điểm của ly khai ở Donetsk. Tuy nhiên, các địa điểm này đều ở khu dân cư và đã có ít nhất 8 dân thường thiệt mạng. Trong khi đó, phe ly khai cũng đáp trả ra trò bằng các loạt pháo hạng nặng.

Việc đấu pháo với ly khai chỉ tạo ra các cuộc ăn miếng trả miếng và thêm tổn thất cho dân thường mà không mang lại bất kỳ hiệu quả nào. Đây cũng là phương tiện chiến tranh phổ biến nhất suốt thời gian qua của cuộc nội chiến.

Khi Kiev sử dụng tới bộ binh, trong ngày 2/2, có ít nhất 7 xe tăng của Ukraine đã bị bắn cháy. 2 đoàn xe tiếp tế được xe tăng và bọc thép hộ tống rơi vào ổ phục kích của quân ly khai Donetsk. Kết quả đoàn xe này phải quay đầu tháo chạy, trong khi 2 xe bọc thép bị tiêu diệt gọn.

Việc xe tiếp tế không đến được "chảo lửa Debaltsevo" chỉ khiến tình cảnh của hàng nghìn lính Ukraine đang bị vây hãm ở đây thêm khốn đốn. Theo thông tin từ Donetsk, có khoảng 8.000-10.000 lính Ukraine đang bị vây hãm.

Khi mặt đất trở nên bế tắc, Ukraine sử dụng đến không quân, thế mạnh duy nhất mà vào thời điểm hiện tại phe ly khai chưa sở hữu. Tuy nhiên, ngày 2/2, Ukraine bị Donetsk bắn rơi một chiếc Su-25. Ngày 3/2, Lugansk tiếp tục hạ thêm một máy bay loại này.

Trong khi đó, ly khai Donbass liên tiếp mở rộng phạm vi tấn công và khu vực kiểm soát thực tế của họ tăng lên. Mọi thứ trên chiến trường đang chứng minh rằng Kiev đang vào thế yếu và những người thân Nga ngày càng chiếm được thế thượng phong.

Cùng với sự yếu kém ở chiến trường, bộ mặt thật của một chính quyền hiếu chiến ngày càng được phơi bày. Với chính sách bắt lính của mình, thanh niên Ukraine đã lũ lượt trốn lính, thậm chí là trốn cả quốc gia khi có khoảng 20.000 đàn ông Ukraine trốn sang Nga mỗi tuần và sống trong các trại tị nạn, theo thông báo của Sở di trú Nga.

Tân binh vừa nhập ngũ đã kéo nhau đến cổng Bộ Tư pháp Ukraine để biểu tình. Đồng thời chính sách ép đàn ông ra trận, phụ nữ, người già chịu trách nhiệm hậu cần, trong khi những người nhà giàu có thể nộp tiền thế thân của chính quyền Kiev chỉ khiến nhân dân căm phẫn và chán ghét chính phủ.


Xe tăng của quân ly khai Debaltsevo

Bộ mặt của Kiev ngày càng bộc lộ những sự yếu kém, bất công. Đây là thời điểm mà Ukraine cần nhất sự giúp đỡ từ những "đối tác quốc tế" của mình. Chiến phí chỉ là một vấn đề, cái mà Kiev cần lúc này là vũ khí hạng nặng, là những thứ có khả năng hủy diệt diện rộng và thực sự hiện đại, thứ mà ly khai chưa hề có trong biên chế của mình.

Ukraine vẫn trong tay Mỹ?

Câu hỏi đặt ra vào lúc này, khi Ukraine đang thực sự lâm vào thế khó, Mỹ vẫn chưa thông qua lệnh viện trợ quân sự cho quốc gia này. Khi bản thân Tổng thống Mỹ đã thừa nhận rằng chính Washington là người đã dựng lên chính quyền ở Kiev (giúp chuyển giao quyền lực từ chính phủ cũ)?

Thực tế thì Mỹ chưa muốn cục diện Ukraine ngã ngũ theo bất kỳ hướng nào.

Thứ nhất, nếu Ukraine không đủ sức duy trì chiến tranh với ly khai, đồng nghĩa với việc Kiev đã thua. Khi đó Nga ở trên thế thắng và ung dung ngồi vào bàn đàm phán. Điều này chắc chắn không nằm trong toan tính của Mỹ. Đó là lý do vì sao họ xuất tiền viện trợ và cả EU cũng phải chi tiền.

Thứ hai, nếu ly khai thua. Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đến hồi kết thúc. Nhưng Kiev thắng quá nhanh sẽ là điều bất lợi bởi khi đó, bất quá Nga chỉ mất đi một vùng đệm trù phú kéo dài từ biên giới của họ đến bán đảo Crimea. Và châu Âu cũng dựa vào lý do kết thúc khủng hoảng Ukraine để nối lại hợp tác kinh tế với Nga.

Mọi thứ lại bắt đầu như chưa hề có cuộc chia ly. Thậm chí khi Kiev đánh bại được ly khai, Mỹ và EU sẽ tiếp tục phải chi tiền để chính quyền này xây dựng lại đất nước và thoát cảnh vỡ nợ theo như những gì đã hứa. Và số tiền bỏ ra ít nhất lên tới 15 tỷ USD.

Đây cũng là kết quả mà Mỹ không hề muốn. Mục đích của họ là khiến nước Nga sụp đổ chứ không phải tranh giành Ukraine. Quốc gia Đông Âu này là chiến trường, là cái cớ trực tiếp để khởi động hàng loạt các hành động theo chủ ý của Mỹ, nhưng hoàn toàn không phải đích đến cuối cùng.


Đống đổ nát ở thị trấn Debaltsevo

Sự giằng co ở Ukraine càng kéo dài, một vài tháng, thậm chí là một vài năm, đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt càng được duy trì. Nga sẽ tiếp tục phải lấy lương khô trong quỹ dự trữ quốc gia của mình để cứu vãn đồng ruble, viện trợ cho ly khai đánh nhau với Kiev. Nếu không đủ sức đánh sập nền kinh tế Nga thì chắc chắn sự giằng co đó sẽ kéo Nga chậm lại vài năm tăng trưởng.

Cần phải biết rằng Ukraine có sẵn quân đội. Và khi phát động chiến tranh với miền Đông, Kiev đã dùng gần hết kho vũ khí của mình. Và các khoản viện trợ kinh tế mà phương Tây gửi tặng đều được Kiev nướng cả vào chiến phí, mua vũ khí...

Nhẩm tính, EU đã gửi cho Ukraine khoảng hơn 1 tỷ USD, cùng với những khoản viện trợ vài trăm triệu USD của Đức, Mỹ... Và sắp tới là 4 tỷ USD chia đều cho Mỹ và EU gánh chịu.

Kiev sử dụng lối đánh tổng lực, đồng ý rằng rất tốn kém và ly khai sử dụng chiến tranh du kích phi đối xứng, sẽ bớt tốn kém hơn. Nhưng hiện tại, quân lực ly khai chẳng kém phân nào so với quân đội, và họ đang tổ chức tổng phản công.

Điều đó đồng nghĩa với việc chiến phí, vũ khí họ đang ngốn từng ngày là một con số không hề nhỏ. Còn cụ thể tốn kém thế nào, có lẽ chỉ có Điện Kremlin có thể trả lời câu hỏi ấy rõ ràng nhất.

Washington hiểu rằng chỉ cần cho tiền là đủ tạo nên sự giằng co đầy toan tính đó. Kiev sẽ tự mua vũ khí, tự sử dụng. Thực chất thì Ukraine có truyền thống dùng vũ khí Nga, để Kiev tự đi chợ, tự chế biến những gì họ có trong tay sẽ hiệu quả hơn việc Mỹ viện trợ vũ khí và mất công hướng dẫn sử dụng lại từ đầu. Kiếm của mình bao giờ cũng vừa tay hơn kiếm của người!

Đồng thời, Mỹ cần thêm thời gian để hoàn thiện chuỗi đòn liên hoàn hạ gục nước Nga. Ngày 2/2/2015, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow cho biết Phương Tây cần phải sẵn sàng cho tình trạng căng thẳng dài lâu với Nga liên quan đến tình hình Ukraine và không nhanh chóng tái bình thường hóa quan hệ như đã từng làm sau cuộc chiến Gruzia năm 2008.

Đây chính là mục đích của Mỹ mong muốn. Dù cho Ukraine có ngã ngũ, thì các lệnh trừng phạt vẫn phải duy trì. Các biện pháp cô lập Nga vẫn phải được đảm bảo. Tuy nhiên để mục đích này thành hiện thực, Washington cần có thời gian để thuyết phục đồng minh, cụ thể là EU - vốn đang trong cảnh rối ren hỗn loạn và đầy bất đồng.

Từ đó cho thấy dù thất thế trên chiến trường, nhưng Ukraine vẫn có thể cầm cự với phe ly khai. Tuy nhiên, tinh thần quân đội kiev và lòng dân Ukraine sẽ biến chuyển theo chiều hướng nào lại là điều mà Mỹ chưa và không thể cân đong đo đếm. Chính điều này sẽ là yếu tố quyết định cục diện chiến trường trong những ngày tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật