Bộ Công Thương đang xem xét khả năng tăng giá điện

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều nay (2/2), Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 1/2015, tại đây bộ này đang xem xét các phương án do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trình, trong đó, bộ nghiêng về phương án tăng 9,5% so với giá điện bình quân hiện hành.
Bộ Công Thương đang xem xét khả năng tăng giá điện
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương giá điện tăng trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào đang hạ, đặc biệt giá xăng dầu là đầu vào thiết yếu của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, trong cả năm 2014, giá điện đã không tăng, trong khi chi phí đầu vào của điện là giá than, giá khí, các loại phí... đã tăng mạnh.

Liên quan đến việc tăng giá điện, Bộ Công Thương cho biết vẫn đang xem xét phương án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi chưa tăng giá điện.

Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vừa qua, Liên bộ Tài chính – Công Thương điều hành nhịp nhàng giữa quỹ bình ổn và thuế nhập khẩu để có mức giảm giá có lợi cho nền kinh tế. Theo Nghị định 83, thì sắp đến kỳ điều chỉnh giá tiếp theo, tuy nhiên cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào tình hình giá xăng dầu thế giới để có sự điều hành thích hợp.

Về việc tăng giá điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết, vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất tăng giá điện 9,5%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn đang xem xét phương án tăng giá điện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3. Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán chưa tăng giá điện.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “EVN đề xuất tăng giá điện 9,5%. Nhưng đó là đề xuất của EVN còn Bộ Công Thương sẽ căn cứ đúng quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua Thủ tướng chủ trì cuộc họp tổ điều hành và chỉ đạo trước hết EVN phải rà soát tính toán giá điện và tính lại để tăng năng suất lao động, lưu ý quản trị doanh nghiệp. Trước Tết chưa tăng giá điện. Về lâu dài, giá thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là phải dần dần tiến đến thị trường.”

Tại buổi họp báo, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là lượng đường tồn kho trong nước lớn, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đường. Bộ Công Thương có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho thị trường đường trong nước?

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc xuất khẩu đường ra nước ngoài, Bộ Công Thương đã chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường như hiện nay. Bộ Công Thương đã và đang tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường ra nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân thủ các cam kết song phương, quốc tế về việc xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Tại thời điểm này, lượng đường đang bị tồn, cung lớn hơn cầu. Trong khi chúng ta vẫn phải cho phép hạn ngạch thuế quan, khi chúng ta gia nhập WTO được rất nhiều, đàm phán để giành những lợi thế cho Việt Nam thì ngược lại ta cũng phải có những cam kết để trong các lĩnh vực về xuất khẩu, nhập khẩu và nhiều vấn đề khác đều phải tham gia, trong đó có Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể cả các doanh nghiệp, các địa phương. Trong đó có một vấn đề là chúng ta cam kết hàng năm phải nhập khẩu lượng đường tối thiểu là 81.000 tấn.”


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật