Năm 2015: Thách thức mang tên FTA, AEC

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi những thách thức từ hội nhập đang đến rất gần thì DN còn chưa thoát khỏi những khó khăn nội tại luẩn quẩn như quy mô nhỏ, năng lực tiếp cận tín dụng hạn chế, khả năng sử dụng công nghệ yếu kém…
Năm 2015: Thách thức mang tên FTA, AEC
DN cần có sự chuẩn bị tích cực hơn để đón cơ hội từ các FTA và AEC. Ảnh: Trần Việt

“Sóng ngầm”

Phân tích về những thách thức của DN trong năm 2015 tại Hội thảo “Thách thức của DN năm 2015” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) khẳng định, năm 2015 trên bề mặt không có gì nhưng ở dưới sẽ có rất nhiều “sóng ngầm”.

Theo “Báo cáo chỉ số kinh doanh 2014” được công bố ngày 27-1-2015, trong năm 2014, chỉ có ngành bất động sản thể hiện xu thế chuyển động tích cực, trong khi đó chiều hướng thay đổi ở nhiều ngành là khá tiêu cực. Ví dụ như các ngành hạ tầng, khoáng sản, công nghiệp đường, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phân bón, dược và dụng cụ y tế, công nghiệp khí, cơ khí, điện, hoá chất, may mặc, thuỷ sản, dịch vụ. Nhiều DN phải xếp vào cột “không có tên” do kết quả hoạt động trong năm giảm sút nên không đạt được bất kỳ chỉ tiêu nào. Những ngành có nhiều DN rơi vào tình trạng này là bất động sản, công nghiệp nhẹ, dược và dụng cụ y tế, may mặc, dịch vụ, xây dựng.

Theo TS. Nguyễn Thị Trang, 2015 là năm cuối cùng để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, còn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Do đó, DN cần phải biết chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình cho sự chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết và khó khăn.

Cụ thể, khi tham gia các FTA, các mức thuế sẽ về 0% nhưng đối với từng mặt hàng sẽ có các quy tắc xuất xứ riêng. Ví dụ như hàng dệt may sẽ được thuế 0% khi XK vào các nước thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ khi đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, đồng thời hàng hóa trong nước cũng phải cạnh tranh với hàng hóa cùng loại NK từ các nước...

TS. Nguyễn Thị Thu Trang còn cho biết, các FTA sắp ký là các FTA thế hệ mới có nhiều đặc điểm mới đòi hỏi hội nhập sâu hơn không chỉ về thuế. “Đặc trưng của các FTA sắp tới như TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) là thiết lập đối tác mới, với phạm vi rộng hơn và mức độ tự do hoá mạnh hơn. Mức độ tác động không chỉ đối với hoạt động XNK mà còn ở thị trường và thể chế. Lĩnh vực thương mại hàng hoá trong các FTA sắp ký kết cũng phải tiếp cận thị trường nhiều hơn”- TS. Trang nhận định.

Ngoài ra, xu hướng cơ bản của các FTA thế hệ mới là cạnh tranh bình đẳng với DN Nhà nước trên cơ sở minh bạch thủ tục mua sắm công, các cơ quan Nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc mua sắm công, các công ước bảo vệ môi trường cơ bản, thuận lợi hoá thương mại hải quan. Do đó, DN không thể không vận động, chuyển mình để đón những đổi thay căn bản này, nếu không sẽ tự đặt dấu chấm hết với chính mình.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho biết, dự báo năm 2015 lãi suất, lạm pháp sẽ thấp, linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh đồng đô la rớt giá mạnh và nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu, cụ thể hóa Luật DN và việc thực hiện mạnh hơn Luật Cạnh tranh. “Cùng với những khó khăn nội tại, khi tham gia vào “sân chơi” AEC, khó khăn của các DN là phải tuân thủ luật chơi thị trường bởi đó là một thị trường tự do sâu, mạnh nhưng cũng là một thị trường kỷ luật, giám sát mạnh mẽ.

Tự do hóa chỉ đem lại cơ hội theo nghĩa tĩnh, nhưng về dài hạn, chúng ta phải nghĩ đến sáng tạo để tìm được giá trị gia tăng tốt hơn. Ví dụ, XK cá basa rất tốt, nhưng nếu chúng ta chỉ XK con cá thôi thì đến 10 năm nữa cũng chưa gia tăng giá trị được.

Về vấn đề này, TS. Trang cũng nhận định, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các FTA đã ký, đi kèm với việc mở cửa thị trường là sự đổ bộ của các dịch vụ đi kèm, mà trong lĩnh vực dịch vụ nào cũng tác động tới DN của ngành nghề đó. Do đó, với lộ trình mở cửa, đây là thách thức không nhỏ đối với DN trong mỗi ngành nghề vào năm 2015.

DN không hấp thụ được chính sách

Trong khi đó, hơn 90% DN Việt Nam là DNNVV, số ít DN quy mô trung bình và lớn chưa đủ để dẫn dắt thị trường. Theo TS. Võ Trí Thành, DNNVV Việt Nam có hai điểm yếu hơn so với DN các nước khác. Thứ nhất, cùng có số lượng như nhau nhưng DNNVV Việt Nam lại đóng góp cho GDP thấp hơn DN các nước khác. Thứ hai, nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, DNNVV Việt Nam rất ít, DN lớn lại càng ít hơn. Chính vì vậy, chúng ta không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập bởi hiệu ứng lan tỏa của DN Việt Nam khá thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị.

Còn PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển DN (INBUS) - đơn vị thực hiện “Báo cáo chỉ số kinh doanh năm 2014, ấn phẩm thường niên nghiên cứu, đánh giá về “sức khỏe” của DN cho biết, các DN Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng ngay cả khi các thách thức của nhiều FTA đã và đang đến gần. “Các động thái trong khu vực cũng như quốc tế liên quan đến việc hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, thu hút dòng vốn… xuất hiện rất nhiều, nhưng các DN mà tôi tiếp cận thì chưa thấy điều đó thiết thực với mình”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân cũng cho biết, Chính phủ đã hoạch định nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, nhưng DN tiếp nhận rất yếu. Trong một đánh giá về chỉ số kinh doanh toàn cầu, về chính sách, trong 70 quốc gia được đánh giá, điểm số của Việt Nam đứng trong top 13 trong khi doanh nhân và DN chỉ xếp thứ 50. Tức là có khoảng cách rất lớn từ chính sách đến sự tiếp nhận của DN. Đôi khi DN biết chính sách rồi nhưng không biết làm như thế nào để hấp thụ được.

Điều này cho thấy, sự thụ động của DN còn lớn như thế nào. Trong khi những thách thức từ hội nhập đang đến rất gần thì DN còn chưa thoát khỏi những khó khăn nội tại luẩn quẩn như quy mô nhỏ, năng lực tiếp cận tín dụng hạn chế, khả năng sử dụng công nghệ yếu kém… chứ chưa nói đến việc quan tâm và chuẩn bị cho cơ hội hội nhập. 1-1-2016, DN Việt Nam chính thức bước vào Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như “cõng” trên lưng nhiều thách thức đến từ lộ trình giảm thuế, mở cửa của các FTA chuẩn bị ký kết, yêu cầu này đòi hỏi trong năm 2015, DN phải nỗ lực vượt bậc để biến giọt nước cuối cùng thành cái kết viên mãn cho một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ trong quá trình mở cửa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật