Ở tâm bão EU: Nước Đức và tấm gương soi Hy Lạp

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện về nguy cơ Hy Lạp rời khỏi EU lại bùng lên một lần nữa, buộc EU và người thủ lĩnh của nó là nước Đức phải tìm cách giải quyết. Và hơn ai hết, người Đức đang như nhìn thấy hình ảnh của chính mình trước đây, trong chiếc gương Hy Lạp.
Ở tâm bão EU: Nước Đức và tấm gương soi Hy Lạp
Ảnh minh họa

Câu chuyện kịch tính ở Châu Âu đang bước vào giai đoạn quyết định, khi mà các tình huống dự kiến hầu hết đã xảy ra và đưa tình thế vào giờ phút khó khăn nhất. Gói kíc‌h thí‌ch kinh tế QE đã chính thức được phép ban hành, và cuộc bầu cử giông tố ở Hy Lạp cũng đã kết thúc với thắng lợi của đảng cánh tả Syriza như đã được dự đoán trước.

Một luận cứ đang được phía Hy Lạp đưa ra và nhận được sự đồng tình của khá nhiều nước thành viên EU về việc giảm bớt nợ cho nước này, là việc nước Đức – người phản đối quyết liệt nhất các biện pháp giảm nợ cho Hy Lạp – cũng đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự trước đây và chính việc được giảm nợ đã đưa Đức từ một nước bại trận và bị chia cắt sau thế chiến thứ 2 trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay. Và Hy Lạp ở thời điểm hiện tại cũng xứng đáng có một cơ hội tương tự.

Theo đó, sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, nước Đức thua trận và bị chia cắt làm hai phần Tây và Đông trở nên nghèo kiệt đến thảm hại do những tác động từ chiến tranh. Nền kinh tế khủng hoảng và đổ vỡ, thất nghiệp lan tràn, nạn đói bùng nổ khi lương thực bị thiếu hụt trầm trọng buộc Mỹ - nước đang duy trì lực lượng quân sự ở Đức khi đó – phải đưa lương thực từ Mỹ sang hỗ trợ.
Những người Đức sống trong giai đoạn đó hẳn vẫn còn nhớ như in những thứ thực phẩm Mỹ trợ cấp như khoai tây hay lúa mạch mà họ gọi là thực phẩm cho gia súc như một kỷ niệm khó quên của một thời nước Đức chìm trong nghèo khó.
Sự đổ vỡ của kinh tế Đức và tình trạng khó khăn cực độ của người dân Đức buộc chính phủ Đức và các nước phải ngồi lại với nhau. Theo đó, để vực dậy nước Đức khỏi tình trạng khó khăn khi đó, các nước đã chấp thuận xóa một nửa số nợ của Đức là 16,1 tỉ Mark trong tổng số 32,3 tỉ Mark mà Đức nợ các nước, trong số đó có một phần là từ các khoản nợ từ hồi thế chiến thứ nhất đã bị Hitler phớt lờ.
Không những xóa bỏ phân nửa số nợ nước ngoài, các nước còn hỗ trợ những khoản kinh phí cần thiết để giúp Đức khôi phục kinh tế sau chiến tranh, đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ kế hoạch Marshall của Mỹ như một biện pháp giúp các nước Châu Âu khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Tất cả những biện pháp này đã góp phần đưa Đức có bước tiến mạnh mẽ để trở thành cường quốc kinh tế chỉ một thập niên sau đó.
Hy Lạp ở thời điểm hiện tại cũng đang trong tình cảnh tương tự với nước Đức khi đó. 7 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và 5 năm sau cuộc khủng hoảng nợ công, Hy Lạp cũng đang có dáng vẻ của một đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh. Hậu quả kép từ khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công, cộng với chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt mà EU, với đại diện là Đức, áp đặt buộc Hy Lạp chấp nhận đã khiến nước này có tình trạng giống như Đức thời điểm sau thế chiến thứ 2.
Thu nhập bình quân của người Hy Lạp giảm khoảng 30%, 20 ngàn người Hy Lạp đang trong tình trạng vô gia cư, hơn nửa triệu người thiếu lương thực và phải nhận hỗ trợ từ các bếp ăn từ thiện, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới mức 65% và con số người Hy Lạp trốn ra nước ngoài bất hợp pháp thì ngày càng tăng.
Dễ dàng để nhận ra rằng, với tình trạng nghèo kiệt của Hy Lạp hiện tại, việc tiếp tục bắt buộc nước này duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt như trước đồng thời kiên quyết không xóa bớt nợ không phải là một quyết định khôn ngoan.
Cũng giống như Đức trước đây, với gánh nặng nợ nần quá lớn cùng một chính sách xiết chặt như hiện tại, gần như sẽ không thể cải thiện tình hình nếu như không nới lỏng sự xiết chặt về chính sách và nợ nần. Người Hy Lạp đang đưa ra một dẫn chứng thuyết phục để hy vọng Đức, nước chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp và là tiếng nói có trọng lượng nhất ở EU, thay đổi quan điểm.
Trên thực tế, tình hình Hy Lạp hiện tại có vẻ như còn phức tạp và nguy hiểm hơn tình hình ở Đức sau thế chiến thứ hai. Sự kiên nhẫn của người Hy Lạp sau một thời gian dài chịu đựng khó khăn có vẻ như đang đi tới giới hạn, chiến thắng khá áp đảo của đảng cánh tả Syriza trong cuộc bầu cử đang cho thấy người dân Hy Lạp đã mất kiên nhẫn đến mức nào. Giới phân tích đang ví Hy Lạp như một ngọn núi lửa có thể thức giấc bất cứ lúc nào, và một khi nó thức giấc có thể kéo theo sự bùng nổ của một loạt các ngọn núi lửa khác ở Châu Âu.
Thực tế, nếu tình hình không được cải thiện, sẽ rất dễ dẫn tới việc Hy Lạp rời EU, và nó có thể kéo theo nguy cơ tương tự ở Italia hay Tây Ban Nha. Có vẻ như đã đến lúc, người Đức cần nhìn lại chính mình và nhớ lại những gì mình đã trải qua trước đây, trong tấm gương Hy Lạp. Không chỉ vì Đức, mà còn vì cả Châu Âu.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật