Ôi cái sắc đỏ diệu kỳ ngày Tết...!!!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể cũng lạ, nếu một năm với người dân quê tôi được chia làm 2 loại ngày thì đó là ngày bình thường và ngày...bất thường. Mà ngày bất thường ấy chẳng có gì khác ngoài Tết. Và nó bất thường bởi thứ màu đỏ “bủa vây“ khắp nơi một cách đột ngột và diệu kì.
Ôi cái sắc đỏ diệu kỳ ngày Tết...!!!
Ảnh minh họa

Tôi có cái may mắn vì trong mấy năm đầu đời khi xa khỏi cuộc sống cạnh những người thân trong gia đình, cái "gan liều" đã đem tôi đến một vài xứ bạn quanh đây vào dịp Tết nhất, xem mấy "anh hàng xóm" ăn chung Tết Á Đông có điều gì khác mình. Đi đâu, thứ màu mè của người bản địa cũng thu hút tôi trước nhất. Người Cam rất thích màu vàng, Thái Lan màu tím, Indo lại có vẻ khoái xanh dương... Trung Quốc thì quá chuộng màu đỏ, nhưng cách màu đỏ được tôn thờ của người Hoa thường khiến tôi ngột ngạt. Dẫu biết rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa nước bạn, có nơi "xính" lắm, họ rộ lên phong trào lai tạo ra đủ thứ hoa quả ruột đỏ, rồi làm bánh chưng đỏ, hạt dưa đen nhánh thế cũng nhuộm cho thành đỏ luôn. Nhưng không-một-nơi-nào có được thứ màu đỏ như quê mình: hơi bàng bạc, ram ráp song hết mực chân tình.

Đó là màu đỏ của đất. Những ngày cánh đồng ngang dọc từng đường cày xắn đất ngâm ải, trống trơn không bóng lúa, tôi mới giật mình nhớ biết đất quê màu đỏ. Mẹ bảo đó là đất thịt, nên có màu đẹp vậy. Mà đúng, đẹp thật! Từng luống đất cuộn lên, căng tròn và hồng hào như một gã trai đôi mươi khỏe mạnh. Năm nào cũng thế, cánh đồng đỏ rịm chiều cuối năm hân hoan chào tôi (hoặc là tôi hớn hở chào nó) trong mùi ải hăng hắc, nồng nồng.

Đó là màu đỏ của giấy dán quanh nhà. Không phải một kiểu giấy cao cấp nào khác mà chính là loại mỏng dính nhuộm phẩm vẫn dùng để làm vàng mã. Ngày nhỏ chúng tôi được biết đến giấy này trong màu xanh hay dùng để bọc vở hoặc dán diều. Tết khác. Bao giờ mẹ cũng dắt đi mua một xấp, với 2 lọ hồ Đông Đô. Ngày 29 cuối năm, sau khi rắc vôi quanh nhà để ’tẩy uế’ và xua đuổi điềm dữ, mẹ sẽ ngồi cắt giấy thành những đường diềm, thành chữ, thành hoa và để tôi hăm hở quết hồ lên dán. Dán ban thờ cho hương hỏa ấm cúng, dán trong bếp để cơm nước đủ đầy, dán đầu giường cho gia đình hòa thuận, lại cả dán đôi cánh cửa chính để trang trí đón khách...

Đó là màu đỏ của chân hương. Làng làm hương ngay sát kế làng tôi nên chẳng đi đâu xa xôi lạ lẫm. Nhưng có lẽ vì nhu cầu Tết, cái sân nho nhỏ không đủ phơi, nhà nào nhà nấy đem ra mép đường sát tường nhà, bó thành từng ụ như nấm. Dọc lối từ chợ về phải vòng qua thôn bạn, màu chân hương đỏ đau đáu lắt léo đi theo, kéo cả cái thơm trầm trầm quyến luyến lòng dạ.

Đó là màu đỏ của những đĩa xôi gấc bày bán khắp chợ quê, của thược dược đúng mùa tươi rói trong vườn, của bếp lửa luộc bánh chưng đêm 29, của hoa đào chiều 30, của xác pháo đêm 30, của phong bao lì xì sáng mùng một, của tờ sớ bà được nhận hôm trẩy hội chùa mùng một...

Màu đỏ chỉ "ối lên" ùa ập và da diết trong dịp Tết bởi quanh năm bận bịu với làm ăn, tiền bạc đâu mà sắm sửa, thời gian đâu mà thưởng lãm. Thế nên tôi càng thương quý càng nhung nhớ cái hương vị no ấm mấy ngày hiếm hoi trong suốt 12 tháng trời.

Bữa trước tôi về, các vùng lân cận mọc đầy rẫy nhà máy xí nghiệp, cái làng con con tự dưng như góc tranh cũ vàng vọt lọt thỏm giữa xa hoa phố thị, tiếng gầm rú của công trường và mịt mù bụi bặm. Người quê bỏ ruộng đi làm công nhân, đất đồng bị thu mua hết để đóng gạch rồi đem chia lô xây nhà cửa. Chẳng còn thấy đâu cái màu đất lên. Người ta cũng không có nơi nao trồng đào nữa.

Hình như dần dần, màu đỏ nham nhám bàng bạc nhưng biết thở than của dăm ba hôm Tết mà tôi vẫn say mê cứ dần "đội nón ra đi mất". Năm nay nhuận thêm một tháng, tôi nằm thấp thỏm đếm từng ngày từng tuần, thấy thủ đô đã đèn nhấp nháy và mở nhạc tưng bừng mà mẹ bảo thược dược chưa nở thì buồn lắm. Tôi triền miên từ tiếc nuối đến lo sợ, nửa mong về lại nửa như không. Ôi Tết quê, những tháng ngày bất thường đầy hồi hộp mỏi mong đã thành ra thật bình thường, chẳng còn biết làm sao cho níu giữ cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật