‘Chết cười’ liệu có đáng bị ném đá?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những câu nói mang ra trích dẫn không được đặt trong ngữ cảnh, câu hỏi rất trong sáng bị suy nghĩ theo chiều hướng bậy bạ… không phải đến “Chết cười”, lối đưa đẩy giao tiếp, xử lý tình huống hài hước của các nghệ sĩ hài mới bị soi xét nhiều tới thế.
‘Chết cười’ liệu có đáng bị ném đá?
Ảnh minh họa


Gần đây, tập đầu tiên của chương trình hài hước mới mang tên Chết Cười vừa lên sóng đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả nhất là sau khi một bài báo đưa câu hỏi “đố tục giải thanh” “cái gì càng chơi càng ra nước” ở một trò chơi của chương trình này lên tựa bài mà không kèm đáp án “Đánh cờ”. Người lớn trong bài báo này và những người lớn khác trên mạng bảo câu hỏi này tục tĩu, phả‌ּn cả‌ּm và ảnh hưởng đến trẻ em xem chương trình. Rất nhiều người từ đó cũng đồng loạt ném đá cho dù… chỉ nghe nói thế chứ chưa xem chương trình, thậm chí nghĩ mãi vẫn chưa ra …đáp án. Và cho dù, trẻ con từ chỉ hiểu đơn giản “đánh cờ thì càng chơi càng ra nước” nếu có xem qua chương trình thì đã nhờ những tranh luận của người lớn trên facebook của bác nào đó mà hiểu ra chuyện khác thâm sâu hơn, chuyện của người lớn.


Nếu được hỏi câu đố này lạ không thì chắc chắn nhiều người sẽ đồng thanh là không. Bởi đơn giản đó là 1 trong những câu đố dân gian thông dụng và nhắm chừng đơn giản và ít thâm sâu nhất trong số các câu hỏi đố mà dân gian vẫn truyền tụng như những câu “đố tục giải thanh” xưa nay. Hai nhân vật nổi tiếng trong văn hoá Việt xưa nay là Trạng Quỳnh và nữ văn sĩ Hồ Xuân Hương cũng nổi tiếng với những câu chuyện và tác phẩm “tục mà thanh”, “thanh mà tục” và “bậy mà không phải bậy” như vậy.

Những câu chuyện cười kinh điển của Trạng Quỳnh đứng đầu trong khẩu vị tiếu lâm của người Việt cũng đã chinh phục nhiều thế hệ bằng tiếng cười “phá tung xiềng xích” để cho những xung năng vô thức bị kìm nén bây lâu trong mỗi con người nổ tung, tạo sự hả hê, khoái trá và chính vì thế mà tiếng cười từ Trạng Quỳnh bộc lộ những chiều sâu tâm lý của người Việt. Những tiếng cười tiếu lâm cũng đã bật lên từ chính những ẩn ý sâu xa, mà mỗi người đều có thể hiểu theo cách của mình và từ chính những trải nghiệm, tư duy của chính mình. Cũng như, những bài thơ, bài vịnh đầy bản năng phái nữ và chọc ghẹo thâm sâu đến bản ngã đàn ông của “bà chúa thơ Nôm” nổi danh Hồ Xuân Hương, nếu để mà nghĩ “bậy” thì hẳn cũng sẽ “bậy” vô cùng.

Vậy, nếu Trạng Quỳnh và văn sĩ Hồ Xuân Hương sống ở thời đại này thì liệu “những anh hùng bàn phím” có ưa và để yên cho họ khi họ dám “tục mà thanh” như thế? Hay họ sẽ có dư đá xây nhà bởi đá ném của “anh hùng” phía sau bàn phím khi họ dám “đả phá” và cười chê thói hư và chính những cái xấu xí của con người một cách thản nhiên mà đủ khiến nhiều người “tức anh ách” như vậy?

Đánh cờ thì đúng là càng chơi càng ra nước và nước ở đây đơn giản là “nước cờ”, cờ ở đây cũng là một phần của “cầm kỳ thi họa” – những chuẩn mực của những người tài hoa thời xưa, khi đã là tài hoa thì vừa phải biết chơi đàn, biết chơi cờ vừa phải biết làm thơ và họa hình, vẽ tranh. Đánh cờ cũng là nét văn hóa dân gian đặc sắc trong các các lễ hội làng khi mùa xuân đến mà phổ biến nhất là tục “đánh cờ người” ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà từ trẻ con, người lớn, đến thanh niên trai tráng, ông già bà cả đều náo nức tham gia.

Đó là chưa kể văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt còn có cả tín ngưỡng phồn thực, với những biểu tượng về sự kết hợp âm dương, về sự sinh sôi nẩy nở… được thờ phụng ở nhiều nơi và đến nay vẫn còn được lưu giữ cũng trong những hội làng truyền thống?

Vậy có gì đáng để những phản ứng có thể nặng nề đến vậy, khi một câu đố dân gian rất Việt Nam đi vào một chương trình truyền hình hài hước dành cho khán giả giải trí vào cuối tuần? Phải chăng, điều đó là bởi, nửa sự thật không còn là sự thật, khi một số người lớn chỉ quan tâm vế trước với câu hỏi dễ khiến họ nghĩ đến chuyện bậy mà họ có thể nghĩ đến mỗi phút mỗi giây? Mà không quan tâm rằng, câu hỏi hóc búa đó với họ thật ra lại vô cùng đơn giản, nếu họ đang ở tâm thế của một đứa trẻ con, hỏi sao đáp vậy?

Và liệu họ có nghĩ rằng, nếu không giải thích cặn kẽ cái ý “bậy bạ” mà họ hình dung đến thì nhiều người lớn khác còn không hiểu, đừng nói là những đứa trẻ nếu có coi thì sẽ chỉ có thể thích thú cười ngặt nghẽo với những trò chơi vui nhộn rất con nít mà các cô chú nghệ sĩ đang chơi trên màn hình để nó được cười thỏa thích, như một người mẹ đã chia sẻ về đứa con 4 tuổi rưỡi của mình khi thấy nó thích chí với chương trình buồn cười này.

Điều gì đã khiến họ mang cái ý nghĩ “bậy bạ” mà họ nghĩ đến rồi đổ xô vào lên án? Để rồi những đứa trẻ và những người chưa kịp lớn khác không muốn biết cũng phải biết? Để rồi, họ cho rằng phải chấm dứt ngay những điều phản giáo dục đó mà không biết chính họ đã giáo dục cho người khác ngấm những định kiến của chính mình?

Hay là bởi, bây giờ, người ta chỉ thích theo đà mà tới, không cần biết thực hư? Hay người ta đã quên, ông bà ngày xưa đã dạy rằng đừng “nghe hơi nồi chõ”

Nếu Trạng Quỳnh còn sống, ông sẽ kể cho chúng ta tiếp câu chuyện gì? Và bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương liệu có “tức cảnh sinh tình” để viết thêm bài vịnh nữa, vịnh những cái bàn phím?

Cũng giống như các show truyền hình thực tế khác, mới một tập khó có thể nói hết được sự hấp dẫn của chương trình. Coi đó là một chương trình hài tình huống, thì khán giả hãy cứ cười hết cỡ cho sảng khoái. Vì đâu chỉ "Chết cười" mới có những câu khiến cho người lớn cảm thấy hơi nóng mặt. Những từ nhạ‌y cả‌m và được coi là "tiếng lóng" đó dễ dàng thấy ở hầu hết các chương trình hài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật