Tại sao Trung Quốc tái tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos tuần tới, một động thái hiếm thấy của lãnh đạo cấp cao nước này.
Tại sao Trung Quốc tái tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới?
Ảnh minh họa

Ông Lý Khắc Cường sẽ góp mặt cùng 40 nguyên thủ quốc gia khác như ông François Hollande và Angela Merkel. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc tham gia WEF trong 5 năm gần đây, Tân Hoa Xã đưa tin.

Lần gần nhất ông Lý có mặt tại WEF là vào năm 2010, với cương vị Phó thủ tướng.

"Khi vị thế của Chủ tịch Trung Quốc đã được củng cố vững chắc, tân Thủ tướng tham gia cuộc họp vạch kế hoạch cho cả năm kinh tế là hợp lý, giữa bối cảnh giá dầu giảm và đà kinh tế giảm tốc làm nổi lên các bất ổn", ông Colin Chapman, Chủ tịch viện các vấn đề quốc tế Australia nhận xét.

Ngoài ra, sắp tới khi Trung Quốc chủ trì Diễn đàn Davos mùa hè vào tháng 12, việc tiếp xúc với quan chức cấp cao là quan trọng để đảm bảo số lượng lãnh đạo tham gia đông đủ.

Lãnh đạo và nguyên thủ các nước sẽ gặp gỡ tại khu du lịch nghỉ dưỡng Thụy Sỹ vào ngày 21 - 24/1, chủ đề của diễn đàn lần này xoay quanh các thách thức kinh tế và xã hội trong "Vận hội thế giới mới".

Ông Lý sẽ có bài phát biểu chủ đạo vào ngày 21/1, nói về kinh tế Trung Quốc và xu hướng tăng trưởng chậm lại nhưng bền vững.

Qua sự kiện lần này, Trung Quốc nhắm tới cả thắt chặt quan hệ ngoại giao lẫn tìm kiếm các thương vụ, bà Parag Khanna, một nhà nghiên cứu cao cấp của Tổ chức New America Foundation nhận xét.

"Trong những năm gần đây, khi dư luận quốc tế thiên về hướng lo ngại sự hung hăng của Trung Quốc, nước này vẫn duy trì thái độ gai góc quyết liệt, Davos phù hợp với chiến lược này", ông Khanna, thành viên thuộc mạng lưới WEF Young Global Leader, trả lời CNBC.

Thêm vào đó, Davos mang lại cho Trung Quốc cơ hội hoàn hảo để gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp, bàn chuyện làm ăn.

"Trung Quốc tự tin hơn mọi người nghĩ. Dòng vốn đấu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia này rải khắp các lĩnh vực ở mọi châu lục. Davos có thể là bàn tròn để lãnh đạo Trung Quốc khơi dậy các thương vụ đầu tư tiềm năng", ông nói.

Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt gần 103 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, gần ngang bằng giá trị vốn đầu tư nội địa tại 119,6 tỷ USD.

Ngoài ra, chương trình nghị sự bao gồm cả kế hoạch gây quỹ cho Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

"AIIB cần vốn, Thụy Sỹ là một nơi lý tưởng để huy động, nhất là với sự tham gia của các lãnh đạo ngân hàng hàng đầu tại Davos", ông Chapman nhận xét.

"Trung Quốc muốn thế giới biết rằng họ đang quan tâm tới phát triển kinh tế, chứ không chỉ tập trung duy nhất vào vấn đề Biển Đông", ông chỉ ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật