Thông tin 2.500 năm trên trống đồng Ngọc Lũ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo các nhà khoa học thì trống đồng Ngọc Lũ là tư liệu quý giá để họ hình dung lại toàn bộ không gian sinh hoạt của người Việt cổ.
Thông tin 2.500 năm trên trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ thuộc loại nguyên vẹn nhất, hoa văn dày đặc nhất từng được phát hiện.
"Có thể ví trống đồng Ngọc Lũ giống như một quyển sách chép lại toàn bộ văn hóa thời kỳ Đông Sơn cách đây 2.500 - 2.000 năm bằng hình ảnh", TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ví von.
"Sách quý"

Theo những tư liệu lịch sử được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì trống đồng Ngọc Lũ được hai nông dân tên Nguyễn Văn Y và Nguyễn Văn Túc phát hiện năm 1893 - 1894 khi đang đắp đê ở xã Như Trác, huyện Nam Xang, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Khi hai ông đào xuống độ sâu 2m tại một bãi cát bồi thì phát hiện một vật kích thước lớn, chất liệu đồng. Hai người này khiêng trống về đình làng Ngọc Lũ để lưu giữ. Sau đó khoảng 8 năm, có một họa sĩ người Pháp đến đây vẽ tranh khi trông thấy trống liền vội vã báo cho Công sứ Hà Nam.
Đến ngày 15/11/1902, trống được trường Viễn đông Bác Cổ mua lại với giá 550đ. Từ năm 1958 đến nay, trống đồng Ngọc Lũ luôn được lưu giữ, bảo quản và giới thiệu tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trống đồng Ngọc Lũ được xếp vào loại H1 - Heger (theo sự phân loại của học giả F.Héger người Áo vào năm 1902).
Trống có patin xanh ngả xám, có kích thước lớn, hình dáng cân đối và hoa văn trang trí đẹp nhất trong số những trống Đông Sơn được biết. Trống có đường kính mặt 79,3cm, chân 8cm, cao 63cm. Trọng lượng 86kg. Trống có cấu trúc gồm các bộ phận: Mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống. Chiếc trống này được các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đánh giá vào loại nguyên vẹn và đẹp nhất tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện nay.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam giải thích: "Có thể ví chiếc trống này giống như một quyển sách chép lại toàn bộ văn hóa thời kỳ Đông Sơn cách đây 2.500 - 2.000 năm bằng hình ảnh. Vì thời kỳ đó, ở Việt Nam chưa có tư liệu thành văn nào viết về bất cứ thứ gì. Cho nên trống đồng Ngọc Lũ được coi là cuốn sử ghi chép bằng hình ảnh toàn vẹn nhất. Là tư liệu nghiên cứu quý giá cho các nhà khoa học".
Đến nay, ở Việt Nam và các nước khác thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Hoa cũng phát hiện được trống đồng Đông Sơn với số lượng hiện vật là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ được các nhà khoa học chọn là Bảo vật Quốc gia bởi vì nó không chỉ có hình dạng nguyên vẹn nhất mà còn chứa đựng các thông tin dày đặc - điều mà rất nhiều trống đồng khác không có được.
Độ hoàn hảo của chiếc trống đồng đã trở thành biểu tượng Văn hóa Việt Nam. Đến năm 1995, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh đã đem phiên bản trống đồng Ngọc Lũ đến trụ sở của Liên Hợp Quốc tặng và trưng bày ở nơi trang trọng nhất.
Thông điệp 2.500 năm

Theo các nhà khoa học thì trống đồng Ngọc Lũ là tư liệu quý giá để họ hình dung lại toàn bộ không gian sinh hoạt của người Việt cổ. Chính giữa trống đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi. Đây chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 16 vành hoa văn, chấm nhỏ, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, những hàng chữ S gẫy khúc nối tiếp, văn răng cưa, hình người hóa trang lông chim nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong, hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn bay và chim mỏ dài đứng.

Mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Phần tang trống có 6 vành hoa văn hình học, những đường chấm nhỏ thẳng hàng, hoa văn răng cưa, hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song.
Phần dưới tang trống có 6 chiếc thuyền chuyển động từ trái sang phải, chở chiến binh tay cầm vũ khí và tù binh, xen giữa là những hình chim ngậm cá. Hình chó săn được thể hiện theo lối cách điệu. Gắn giữa tang và thân trống là hai đôi quai kép đúc nổi hoa văn bông lúa, đối xứng nhau.
Thân trống hình trụ đứng, là bộ phận nắn âm thanh. Phần giữa của thân có những hoa văn hình học chạy song song cắt nhau tạo thành 6 ô hình chữ nhật. Trong ô là các võ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí vừa đi vừa múa. Phần dưới của thân là ba vành hoa văn hình học, giữa là vành văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Hai bên là hai đường chấm nhỏ. Ngoài cùng là hai đường chỉ trơn.
TS Ngô Thế Phong, Hội Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: "Những hoa văn trên trống thể hiện đời sống của cư dân Việt cổ gắn liền với lúa nước thông qua hình tượng con thuyền. Hình tượng này cũng thể hiện nhân sinh quan của cha ông ta cách nay hàng ngàn năm. Họ cho rằng, có hai thế giới tồn tại song song là âm và dương. Con thuyền là cầu nối giúp họ di chuyển qua lại giữa hai thế giới đó. Bằng chứng không chỉ có phù điêu hình thuyền trên trống Ngọc Lũ mà còn thông qua các ngôi mộ thuyền được phát hiện".

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn thì trống đồng Ngọc Lũ không giống với bất cứ chiếc trống nào khác được phát hiện từ trước tới nay. Trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa nhất, đề tài trang trí đẹp và phong phú nhất. Hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ chứa đựng rất nhiều thông tin phản ánh đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Ví dụ, nhìn hình người cầm binh khí là ngọn lao, người ta có thể thấy ngay được kỹ thuật săn bắn thời này còn thô sơ.



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật