Nông dân đổ sữa ra đường và trách nhiệm của doanh nghiệp

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy ngày qua, câu chuyện nông dân ở một số tỉnh, thành phía Nam phải đổ bỏ sữa vì không có thị trường tiêu thụ khiến mọi người không khỏi chạnh lòng, chua xót với sự bấp bênh của nền nông nghiệp nước nhà khi liên tục nhiều nông sản lâm vào cảnh “được mùa mất giá”.
Nông dân đổ sữa ra đường và trách nhiệm của doanh nghiệp
Sữa bị đổ bỏ vì không có nơi tiêu thụ.

Lần này đến sữa, một thực phẩm được xếp vào hàng cao cấp mà người dân nước ta còn chưa dám dùng hằng ngày, đa phần chỉ ưu tiên cho trẻ em, người cao tuổi. Ở nhiều vùng kinh tế khó khăn thì uống sữa để bổ sung nhu cầu dinh dưỡng còn là chuyện xa vời của người dân. Vậy mà giờ đây, mỗi ngày chúng ta phải đổ bỏ hàng tấn sữa thì thật là một nghịch lý!

Lý giải việc này, nhiều ý kiến cho rằng, lỗi do người nông dân làm ăn manh mún, thấy sản phẩm gì được giá thì đổ xô nuôi trồng mà không dự liệu về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, chất lượng sữa từ việc chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, tự phát cũng không đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy sữa hiện nay của nước ta! Do đó, khi gặp rủi ro thì không thể trách ai.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng lên tiếng khuyến cáo người nông dân: “Phải liên hệ trước với các công ty thu mua sữa tại địa phương để tìm đầu ra trước khi đầu tư chăn nuôi. Đặc biệt là trong giai đoạn giá sữa nguyên liệu thế giới giảm khoảng 50% so với năm ngoái và nguồn cung rất dồi dào thì doanh nghiệp sẽ chọn nhập khẩu từ nước ngoài thay vì mua của người nông dân trong nước”.

Đó là lý do không thể trách doanh nghiệp không mua sữa của nông dân mà chọn bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài bởi doanh nghiệp luôn phải tính đến bài toán kinh tế của họ.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta phát triển chưa bền vững, người nông dân đa phần phải tự bươn chải với kế hoạch mưu sinh của mình mà thiếu sự định hướng, sự hỗ trợ về tổ chức sản xuất cho đến kết nối với thị trường tiêu thụ và trình độ còn thấp thì làm sao họ có thể một bước trở thành người nông dân “tiên tiến” mà không có sự tiếp sức của nhà nước, doanh nghiệp?

Từ đó, cũng đặt ra vấn đề quy hoạch sản xuất, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Rõ ràng, đây là chuyện không mới, đã được xới lộn lên nhiều lần vì trước sữa nhiều nông sản khác như: thanh long, vải thiều, dưa hấu... cũng từng chất đống, đổ bỏ bởi sản xuất vượt nhu cầu tiêu thụ. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa tìm được lối ra cho vấn đề này. Câu hỏi làm sao hài hòa được giữa lợi ích của người nông dân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước chưa có được lời giải và vòng luẩn quẩn vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp cũng không thể phủi hết trách nhiệm với người nông dân, nguồn cung nguyên liệu của mình, những người đã đồng hành với doanh nghiệp trong nhiều thời điểm khan hiếm nguyên liệu và còn cả trách nhiệm đối với người tiêu dùng và kinh tế đất nước.

thiệt hại cho doanh nghiệp thì chưa thấy đâu nhưng thiệt hại cho người nông dân và kinh tế đất nước đã thấy rõ, khi đời sống nông dân trở nên bấp bênh hơn và tiền của quốc gia vẫn phải đổ ra để nhập nguyên liệu từ nước ngoài về... Và trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng ở đâu khi giá sữa nguyên liệu giảm mạnh mà sản phẩm sữa bán trên thị trường lại không hề thấy giảm!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật