Thi nhiều môn sẽ có nhiều cơ hội

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau gần một tháng công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015 và tiếp nhận ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh gì để hoàn thiện quy chế cho năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia đổi mới?
Thi nhiều môn sẽ có nhiều cơ hội
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Trao đổi với pv, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ:

- Ban soạn thảo quy chế tiếp nhận ý kiến góp ý qua nhiều kênh: bài viết đăng trên các báo, các ý kiến chia sẻ (comment) sau mỗi bài viết của độc giả, qua email, ý kiến thảo luận của các trường ĐH, các sở GD-ĐT... Các ý kiến góp ý rất đa dạng, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, phụ huynh học sinh... khắp mọi miền của đất nước.

* Khi tham gia tư vấn tại các chương trình tư vấn tuyển sinh cùng báo Báo, các thầy cô tại Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục chủ yếu nhận được những thắc mắc nào từ phía thí sinh? Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, những lo lắng, thắc mắc của thí sinh trước một kỳ thi đổi mới cần được giải đáp bằng những hình thức nào?

- Phần lớn băn khoăn của thí sinh liên quan đến tương lai nghề nghiệp, thị trường lao động, tìm kiếm lời khuyên để định hướng chọn ngành nghề. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng và nhiều thí sinh quan tâm đến vấn đề này là tín hiệu tốt. Những vấn đề còn lại đều mang tính kỹ thuật.

Một số thí sinh quan tâm đến cấu trúc đề thi, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, vấn đề miễn thi môn ngoại ngữ, đề án tuyển sinh riêng của các trường... Năm nay là năm đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên thí sinh đặt nhiều câu hỏi hơn những năm thực hiện kỳ thi “ba chung” là điều dễ hiểu. Qua các đợt tư vấn, đội ngũ các chuyên gia tư vấn đã giải đáp trực tiếp các thắc mắc của thí sinh.

Ngoài ra, bộ cũng đã gửi dự thảo quy chế về các sở GD-ĐT, các trường THPT để các trường một mặt cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến quy chế, đồng thời tập hợp ý kiến góp ý của thí sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo gửi về bộ. Đối với những vấn đề có nhiều thí sinh quan tâm, bộ phận soạn thảo quy chế cũng đã trao đổi trên các báo, đài.

Từ các kênh thông tin trên, Bộ GD-ĐT tiếp nhận và phân tích những thắc mắc của thí sinh để hoàn thiện quy chế tuyển sinh, đảm bảo cho sự thành công của mùa tuyển sinh đầu tiên theo phương thức mới.

* Bộ GD-ĐT vẫn nói việc bổ sung các tổ hợp khối thi mới nhằm tăng cơ hội cho thí sinh, nhưng thực tế theo dự thảo, mỗi đợt xét tuyển, dù thi bao nhiêu môn, ứng với bao nhiêu tổ hợp môn thi chăng nữa, thí sinh vẫn chỉ được sử dụng một giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường. Điều này có thể hiện sự mâu thuẫn trong phát ngôn của bộ và chính sách thực tế dự kiến áp dụng, thưa thứ trưởng?

- Xin được khẳng định ngay rằng thí sinh sẽ có lợi hơn khi BộGD-ĐT cho phép các trường mở rộng tổ hợp môn thi theo những quy tắc nhất định. Mặc dù trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được sử dụng một giấy báo kết quả thi, nhưng mỗi giấy cho phép đăng ký xét tuyển tối đa vào bốn ngành hoặc nhóm ngành của một trường.

Trong khi đó, trước đây thí sinh có thể thi tối đa hai trường ở hai đợt khác nhau và mỗi trường chỉ một nguyện vọng.

Như vậy, theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới, thí sinh có số nguyện vọng đợt đầu tiên nhiều hơn số nguyện vọng của kỳ thi “ba chung”.

Với quy định này, thí sinh thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội đăng ký các ngành khác nhau của một trường.

Ví dụ khi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu các em chỉ đăng ký thi các môn khối A thì chỉ có thể đăng ký vào các ngành khối A, nhưng nếu các em thi thêm môn sinh học có thể đăng ký thêm các ngành xét tuyển theo khối B của trường này trong cùng đợt xét tuyển.

Trường hợp các trường sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển cho một ngành thì những thí sinh đăng ký thi nhiều môn hơn sẽ có cơ hội sử dụng tổ hợp có lợi nhất để đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra, theo dự thảo quy chế, trong thời gian của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác. Nếu thí sinh đăng ký thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội hơn để đăng ký vào các trường.

Ví dụ học sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH y, nếu chỉ thi các môn toán, hóa học, sinh học, sau khi thấy không có khả năng trúng tuyển vào trường y, chỉ có thể đăng ký nguyện vọng vào các ngành khối nông, lâm, ngư; nhưng nếu đăng ký thi thêm vật lý thì có cơ hội đăng ký vào các trường khối kinh tế, kỹ thuật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật