9.000 đồng thuế, phí/lít xăng dầu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cùng với đợt giảm giá từ ngày 6-1, Bộ Tài chính cũng đã quyết định nâng thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu tăng thêm 7-9%, lên 30-35%, trong đó xăng có mức thuế cao nhất là 35%, (mức thuế suất tối đa với các loại xăng, dầu là 40%).
9.000 đồng thuế, phí/lít xăng dầu
Ảnh minh họa

Đây là lần thứ hai kể từ khi ban hành barem thuế mới về xăng dầu, thuế suất đối với mặt hàng này được điều chỉnh tăng. Như vậy, với thuế suất nêu trên, mỗi lít xăng hiện đang gánh gần 9.000 đồng các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường.

Thực ra, so với văn bản được Bộ Tài chính đưa ra năm 2010 mức tối đa thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu cũng đã được quy định không vượt quá 40%. Tuy nhiên, thời điểm đó đến nay mức trần này chưa khi nào được áp dụng, do giá xăng dầu luôn có xu hướng tăng hơn là giảm.

Khi giá dầu giảm, lĩnh vực vận tải sẽ được hưởng lợi nhất vì tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất. Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim... khi xăng dầu chiếm khoảng 20-30% chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng sản xuất từ dầu mỏ như: phân bón, chất dẻo... mà Việt Nam đang nhập khẩu khá lớn cũng sẽ giảm.

Tất cả những điều đó sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực là giá hàng hóa sẽ giảm, kíc‌h thí‌ch tiêu dùng, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, kéo theo đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho Chính phủ thực hiện các giải pháp kíc‌h thí‌ch sản xuất và tiêu dùng để mang lại nguồn thu bền vững hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với nước ta - một nước vừa xuất khẩu dầu thô và cũng là nước nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ nên tác động tiêu cực của việc giảm giá dầu cũng vừa phải. Tiêu cực dễ thấy nhất là gây hụt thu ngân sách Nhà nước. Bởi dự toán thu ngân sách năm 2015 đối với dầu thô được tính toán trên cơ sở 100USD/thùng với tổng số thu ước khoảng 93.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10% thu ngân sách năm 2015.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng dự báo, nếu giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60USD/thùng, giữ nguyên thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì ngân sách hụt thu 43.000 tỷ đồng. Rõ ràng, trong hoàn cảnh này, khi thu đã được ấn định, nhu cầu chi lớn và đã được Quốc hội thông qua, việc hụt thu một khoản lớn nêu trên sẽ gây áp lực lớn lên nợ công do cân đối thu, chi ngân sách gặp khó, đặc biệt là giá dầu cho đến nay đã rớt xuống dưới 50USD/thùng.

Một quan chức Bộ Tài chính từng chia sẻ, trong khi các tác động tích cực của việc giảm giá xăng dầu là kéo giá các hàng hóa khác giảm, thì ngân sách sẽ đối mặt với bài toán nan giải trước mắt là giảm thu, chưa thể bù đắp được ngay, từ đó ảnh hưởng đến chi.

Việc giá dầu giảm sâu khiến thu ngân sách giảm có lẽ là một bất ngờ đối với những nhà hoạch định chính sách, bởi trong nhiều năm nguồn thu từ dầu vẫn thường ổn định, thậm chí nhiều năm tăng mạnh khi diễn biến giá thực tế tăng hơn so với dự tính. Điều này cho thấy khi giá dầu sụt giảm, bộc lộ ngân sách vẫn còn đó sự lệ thuộc nhiều vào giá dầu cũng như công tác dự báo còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, việc giảm giá dầu thô hiện nay là điều kiện tốt để tính toán lại căn bản chi tiêu ngân sách. Chiến lược chung là phải chuyển sang hệ thống ngân sách cứng, mạnh mẽ, quyết liệt thay cho ngân sách mềm như hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật