Xuất nhập khẩu 2014: Thành tích không chỉ từ những con số

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
XK năm 2014 “chạm mốc” 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013; song hành cùng tốc độ tăng 12% của kim ngạch NK đạt 148,5 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu 2014: Thành tích không chỉ từ những con số
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thành tích XNK năm 2014 không chỉ đến từ những con số mà còn thể hiện ở việc tăng giá trị gia tăng hàng hóa, giảm bớt xuất thô, giảm bớt NK nhóm hàng không khuyến khích NK...

Ba điểm nổi bật

Năm 2014, dù còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, các rào cản thương mại liên tiếp được đặt ra nhưng hoạt động XNK vẫn được đánh giá có nhiều thuận lợi và cơ hội. Quả thực như vậy!

Hết năm 2014, kim ngạch XK cả nước ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Ở chiều ngược lại, NK cũng tăng trưởng ở mức 2 con số song tốc độ tăng thấp hơn XK (khoảng 11-12%), đạt khoảng 148,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng XK chủ lực đã đạt kim ngạch XK cao, vượt mục tiêu đề ra, như: Dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện... Đáng chú ý, con số xuất siêu của năm 2014 ước khoảng 1,5 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2014 (nhập siêu duy trì mức 6%). Đây cũng là mức xuất siêu lớn nhất của Việt Nam sau 3 năm liên tục xuất siêu.

Nhìn vào những thông số trên, có thể thấy cơ cấu nhóm hàng XK đang đi đúng theo mục tiêu của Chiến lược phát triển XNK hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Xu hướng này cũng đã thể hiện trong 2, 3 năm gần đây. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 73%), tiếp đó nhóm hàng nông thủy sản (khoảng 15%) và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản (hơn 6%). Kết quả này khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng XK, tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa, hạn chế XK sản phẩm thô từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua; đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng XK của nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Thành tích này đóng góp quan trọng vào việc kiềm chế nhập siêu.

Một thông số không thể không nhắc đến là khối DN FDI đã làm cho con số XK đẹp hơn. Tiếp tục xu hướng của năm 2013, trong  năm qua, DN FDI giữ vị trí cao trong việc tạo giá trị và tăng trưởng XK khi kim ngạch chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch XK cả nước, ước đạt 101,8 tỷ USD, tăng 15,4% so năm 2013. Những mặt hàng XK chủ lực của khối này chủ yếu thuộc nhóm công nghiệp như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác... Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận đóng góp của khối DN trong nước. Cùng với đà phục hồi kinh tế, sự nỗ lực của cộng đồng DN, tăng trưởng XK của khối DN trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc. Nếu như khối này năm 2012 chỉ đạt mức tăng trưởng XK 1,2%, năm 2013 tăng khoảng 4%, thì năm 2014 ước tăng khoảng 10% (kim ngạch XK đạt 48,2 tỷ USD) với các mặt hàng chủ yếu gồm nông sản, thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp XK như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ... đều đạt tăng trưởng dương, đóng góp vào tăng trưởng chung của XK.

Bức tranh XNK năm 2014 còn có sự đóng góp của việc triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát NK. Nhóm hàng cần NK (máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu) chiếm tỷ trọng gần 90% NK, trong khi nhóm hàng cần kiểm soát NK và nhóm hàng hạn chế NK mỗi nhóm hiện chiếm tỷ trọng chưa đến 5% NK. Theo đánh giá của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, tất cả những biện pháp như vậy dẫn đến tình hình thương mại có những bước cải thiện. Đây là một trong những lý do giúp chúng ta duy trì được cán cân thương mại.

Khó có đột biến

Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, cộng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô và trong công tác đối ngoại, đàm phán mở cửa thị trường… góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và mở ra những cơ hội mới cho thúc đẩy XK. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương nhìn nhận: “XK năm 2015 không có đột biến”. Nhận định này xuất phát từ thực tế một số mặt hàng có lợi thế của Việt Nam đã đến “ngưỡng” như XK gạo, cà phê, hạt tiêu… không có sự xê dịch nhiều, chưa nói đến sự bấp bênh về giá. Đặc biệt, giá dầu mỏ đang ở mức thấp thất trong vòng 5 năm trở lại đây. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao, tính toán không khai thác lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu có thể đem lại cho chúng ta lợi nhuận tương đối. Thêm vào đó, những mặt hàng của DN FDI gần đây có sự tăng trưởng đột biến như điện thoại di động, điện tử tốc độ tăng trong năm 2015 sẽ tăng chậm lại.

Đồng tình với quan điểm trên, người phát ngôn Bộ Công Thương đồng thời là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, bản thân các DN FDI cũng đã đến “ngưỡng” bởi sản xuất của DN dần đạt công suất dự kiến. Ví dụ 2012, DN FDI tăng XK đến 31% nhưng 2013 tăng 22%, 2014 chỉ còn 12%. Đến năm 2015, khả năng tăng trưởng XK của DN FDI không nhiều như những năm trước. Nguyên nhân là do từ trước đến nay tăng trưởng của nhóm DN FDI chủ yếu là mặt hàng điện thoại di động. Ví dụ, năm 2012 mặt hàng này tăng 126% so với 2011, nhưng đến năm 2013 tốc độ tăng chững lại đạt 45,3%, trong năm 2014 chỉ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, NK năm 2015 được đánh giá là vẫn tiếp tục tăng bởi nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào NK; triển vọng phát triển XK từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp ký kết trong năm 2015 như FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan… nên DN các nước cũng dịch chuyển NK máy móc, nguyên vật liệu…

Với tình hình này, XK tăng 10% nhưng khả năng NK sẽ tăng nhiều hơn con số đó (năm 2014 tăng 12% và năm 2015 có thể là 14%). Vậy nên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, nhập siêu sẽ quay trở lại trong năm 2015. Mức nhập siêu Bộ Công Thương trình Quốc hội là 5% so với tổng kim ngạch XK. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng XK đồng thời kiểm soát nhập siêu, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý trong việc đẩy nhanh phát triển công nghiệp phụ trợ, đảm bảo cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành sản xuất; tăng sức cạnh tranh cho DN bằng cách cải cách thể chế; đồng thời tăng cường biện pháp kiểm soát NK.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật