Những lá thư của chồng trong tù động viên vợ mới mãn hạn tù

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chồng án 15 năm, vợ chỉ bằng 1/3 mức án của chồng nên việc Hùng đi tù trước rồi về sau là lẽ đương nhiên. Thương vợ một nách ba con, lại hay suy nghĩ sẽ khó hòa nhập cộng đồng nên Hùng rất chăm viết thư động viên.
Những lá thư của chồng trong tù động viên vợ mới mãn hạn tù
Những lá thư động viên vợ

Trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Phạm Văn Hùng (SN 1977, quê ở Minh Châu, Yên Mỹ, Hưng Yên) bảo chỉ mong vợ ở nhà chăm con cho thật tốt, còn mọi chuyện về tiền bạc, nợ nần cứ đợi anh ta về rồi tính.

“Đời người có số rồi. Cả đời tôi chưa tơ hào của ai một đồng nào, thế mà lại đi tù mà với hai tội danh mới đau chứ”, người đàn ông rất chăm gửi thư về cho vợ cười chua chát.

Vay bằng tín chấp thành lừa đảo

Trắng trẻo và mảnh dẻ, trông Hùng thư sinh như một công chức, chẳng có dáng gì là người lao động cơ bắp trong khi nghề chính của anh ta là đúc đồng, làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Trước khi trở thành phạm nhân thi hành bản án 15 năm tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, Hùng được nhiều người biết đến như một doanh nghiệp trẻ, có tiềm năng với một xưởng đúc đồng có quy mô ngay tại quê nhà huyện Yên Mỹ. Ngày đó, vợ chồng Hùng làm ăn rất phát đạt. Chưa đầy 30 tuổi nhưng họ đã có một cơ ngơi khang trang, một xưởng sản xuất với gần chục công nhân lành nghề và vài mảnh đất mặt đường. Nếu biết dừng lại ở đó, có lẽ cuộc đời của Hùng đã không phải như ngày hôm nay. Buồn và tiếc nhưng theo Hùng thì “nếu không liều thì không thể làm giàu và đã liều thì cái giá cũng thật đắt, phải chấp nhận cuộc chơi”. Mất nhà, mất tiền với Hùng không đau bằng việc 3 đứa con nhỏ mấy năm trời sống xa bố mẹ trong khi lứa tuổi ấy, chúng cần lắm sự yêu thương, vỗ về.

Ban đầu xưởng của Hùng chỉ sản xuất những mặt hàng mang tính nhỏ lẻ như lư hương, lọ hoa, bát hương bằng đồng nhưng khi trong tay đã có vài tỷ đồng, Hùng muốn làm ăn lớn. Anh ta đầu tư tiền mở rộng xưởng sản xuất, nhận những đơn hàng lớn cả về khối lượng và tiền bạc. Vài chuyến đầu làm ăn thông đồng, Hùng đâu ngờ rằng một khi ngoi ra biển lớn, thương trường cũng là nơi vùi dập biết bao nhiêu anh tài và Hùng cũng nằm trong số đó. Hợp đồng nhiều đồng nghĩa với việc đồng nợ, đồng chịu không thể chuyến hàng nào cũng thu dóc, thu đủ, vậy là phải đi vay.

Ban đầu vợ chồng Hùng vay lãi suất bên ngoài, sau đó thì vay lãi ngân hàng. Bán thửa đất và xưởng đúc đồng được đem ra thế chấp để vay tiền nhưng vốn làm ăn cứ ngày càng cụt dần, có chỗ còn không đòi nợ được. Ngày bị bắt, vợ chồng Hùng còn nợ 900 triệu đồng trong tổng số tiền 5 tỷ đồng đã thanh toán.

“Tổng số tiền em vay là 5 tỷ đồng, đã thanh toán hết còn hơn 900 triệu đồng chưa trả được. Nếu như em khôn ra, viết giấy vay thì chắc đã không phải vào tù thế này. Cũng chỉ nghĩ lấy được tiền hàng về thanh toán ai ngờ... Tiền nợ người thì ai cũng nhìn thấy nhưng tiền khách nợ mình thì chẳng ai biết cho. Em đi tù thế này coi như mất hết, làm sao mà đòi được”, Hùng bức xúc. Theo anh ta thì chuyện làm ăn bắt đầu đi xuống vào năm 2007 và càng gỡ, vợ chồng Hùng càng không thể gượng nổi. Thậm chí anh ta đã phải bán cả ba mảnh đất và cả xưởng đúc đồng đi để trả nợ mà cũng không đủ.

Những lá thư động viên vợ

“Em ở nhà chịu khó kham khổ, chăm các con cho anh. Ở trong này anh vẫn khỏe, công việc ở đội bếp cũng vừa sức nên không phải lo lắng gì cả. Mới về nhà nên nhiều chuyện còn bỡ ngỡ, em đừng nóng vội, nhất là chuyện nợ nần thì cứ bảo họ là để anh về thu xếp... Chiều xuống là lúc anh nhớ nhà nhất, nhớ bữa cơm có tiếng khua bát, khua đũa và cả khóc í éo của các con. Một mình em chăm chúng là vất vả lắm. Anh rất nhớ nhà, chỉ mong sao bốn mẹ con đều mạnh khỏe là anh yên tâm rồi. Trời sắp vào đông em nhớ mặc ấm cho các con và giữ gìn sức khỏe nhé, vào thăm anh ít thôi...”. Trong một lá thư gần đây, Hùng đã viết như thế gửi về cho vợ con. Lá thư có nét chữ tròn, ngay ngắn.

Ngày vợ chồng Hùng đi tù, đứa con lớn mới học lớp 1, đứa bé còn chưa nói sõi, đến nay cô con gái lớn đã học lớp 7, đã hiểu thế nào là đi tù, là phá sản nên rất thương bố. Hùng bảo nếu như con hờn trách, kể chuyện bị bạn bè trêu chọc, xa lánh... có lẽ Hùng chỉ buồn. Đằng này thư nào viết cho bố, cô bé cũng hỏi thăm xem Hùng có khỏe không, ăn uống thế nào và căn bệnh xoang mũi của bố tái phát khi trời trở lạnh,... càng khiến Hùng day dứt, ân hận. Thương các con ở nhà phải nương tựa vào ông bà ngoại trong khi ông bà đều già cả và không có thu nhập, Hùng không sao ngủ được. Càng nghĩ thương con, Hùng lại thấy giận bản thân tại sao không dành một khoản dự trữ cho các con. Nhưng rồi anh ta lại chặc lưỡi, tự an ủi mình rằng biết đâu giai đoạn khó khăn này chính là thuốc thử cho cả gia đình Hùng.

“Em nghĩ rồi, tiền mất có thể làm lại được chứ con người mà hỏng là mất hết. Em mất tiền, bản thân tù tội nhưng các con em lại rất ngoan và thương bố mẹ vậy thì còn mong gì lớn lao hơn thế nữa”, Hùng nói như tự an ủi.

Ngày Hùng về trại giam Nam Hà cải tạo, cô con gái thứ ba mới 2 tuổi nên một năm sau, vợ anh ta mới đi thì hành án. 5 năm tù, cải tạo ở trại giam Xuân Nguyên nhưng vợ Hùng được tha trước thời hạn. Nghe tin vợ ra tù, trong lòng Hùng bộn bề cảm xúc.

“Vợ em là người cả nghĩ, nghe tin cô ấy ra tù, em mừng lắm nhưng mà cũng rất lo, chỉ sợ cô ấy nôn nóng kiếm tiền trả nợ rồi lại dẫm chân vào vết xe đổ trước đây”, Hùng ngậm ngùi nói.

Tháng nào Hùng cũng viết thư động viên vợ. Anh ta còn khéo hỏi thăm bố mẹ vợ, nhờ họ chăm con, chăm cháu thay mình. Thư nào Hùng cũng viết rất dài, tràn đầy tình cảm nhớ nhung, thương xót.

Nhanh nhẹn và gọn gàng, Hùng được đánh giá là phạm nhân tiến bộ, làm việc tự giác không để phải nhắc nhở. Hai năm đầu Hùng làm ở bộ phận ghi chép quà gửi cho phạm nhân nhưng từ năm thứ ba đến nay, anh ta về đội bếp lao động. Những lúc rảnh rỗi, Hùng lại tranh thủ mượn sách thư viện về đọc. Sách mà Hùng hay đọc nhất là những cuốn sách nói về kinh doanh, thương trường mà theo như lời anh ta thì bây giờ có thể khó hiểu nhưng biết đâu lại có ích cho sau này bởi anh ta vẫn chưa từ bỏ ý định kinh doanh.

“Em bảo vợ tạm thời cứ phụ giúp bố mẹ bán hàng ăn, đợi khi nào em về rồi tính tiếp. Sau này ra trại, chắc chắn em vẫn theo nghề kinh doanh đồ mỹ nghệ của bố mẹ. Em nghĩ kỹ rồi, phải quay lại nghề cũ thì mới có cơ hội đòi tiền khách đang nợ mình. Biết là khó đấy nhưng chẳng còn con đường nào khác”, Hùng trầm ngâm.

Cải tạo gần 7 năm, Hùng đã 2 lần được giảm án và chỉ còn một thời gian ngắn nữa anh ta sẽ được đoàn tụ với gia đình nhưng hiện tại thì những lá thư vẫn đang là cầu nối để gia đình Hùng thêm gắn bó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật