Giá dầu giảm: Tiền chảy từ túi Nhà nước sang doanh nghiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã xuất hiện mối lo ngân sách nhà nước sẽ thất thu nghiêm trọng nếu giá dầu duy trì ở mức thấp. Nhưng sẽ rất phiến diện nếu chỉ nhìn vào “túi tiền” Nhà nước rồi lo lắng, mà không nhìn đến “túi tiền” sẽ đầy đặn lên của cả nền kinh tế.
Giá dầu giảm: Tiền chảy từ túi Nhà nước sang doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Giá dầu lao dốc đang thổi một luồng sinh khí mới vào doanh nghiệp và người tiêu dùng, những đối tượng đã phải vất vả chống đỡ với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao trong suốt mấy năm qua. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng đây là cơ hội tốt cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Cơ quan này cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào năm tới lên 5,8%, tăng so với dự báo trước đó là 5,7%.

Thế nhưng, ở trong nước đồng thời cũng xuất hiện những lo ngại về viễn cảnh giá dầu thô duy trì ở mức thấp. Mối lo này đến từ một số cơ quan quản lý nhà nước và chủ yếu là lo cho “túi tiền” của Nhà nước!

Nhưng với một quốc gia vẫn phải nhập siêu năng lượng như Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi không ít nếu giá dầu thấp.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-12-2014 xuất khẩu năng lượng của Việt Nam đạt 8,335 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu dầu thô 6,917 tỉ đô la Mỹ, tái xuất xăng dầu 891 triệu đô la Mỹ và nguồn thu từ xuất khẩu than đá 527 triệu đô la Mỹ. Cũng trong thời gian đó Việt Nam phải nhập khẩu trở lại 8,5 tỉ đô la Mỹ xăng dầu, khí hóa lỏng, than đá.

Nhưng chiều nhập khẩu không chỉ có thế mà còn rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất có nguồn gốc từ dầu mỏ, mà giá cả của chúng cũng gắn chặt với giá dầu, bao gồm: gần 1 tỉ đô la Mỹ sản phẩm từ dầu mỏ (chẳng hạn nhựa đường); hơn 9 tỉ đô la Mỹ chất dẻo nguyên liệu và thành phẩm; trên 1,5 tỉ đô la Mỹ xơ sợi tổng hợp; 6,2 tỉ đô la Mỹ hó‌a chấ‌t và 617 triệu đô la Mỹ nguyên liệu cao su tổng hợp...

Chỉ cần nhìn vào những con số thông kê kể trên, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra việc giá dầu lao dốc tuy có làm túi tiền của Nhà nước và một số tập đoàn kinh tế nhà nước vơi đi, nhưng cái mất đó không đáng là bao so với cái được của túi tiền của cả nền kinh tế. Và có thể thấy lợi ích tức thì của xu hướng giá cả này là áp lực chi ngoại tệ để nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm đi, đồng thời áp lực về chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng được nới lỏng.

Suốt một thời gian dài giá dầu đứng ở mức cao trong những năm qua, năm nào thu ngân sách nhà nước cũng đạt và vượt kế hoạch, nhưng doanh nghiệp thì “chết” hàng loạt và nền kinh tế ngụp lặn trong vòng suy thoái. Cho nên, dù bội thu từ giá dầu, Nhà nước lại phải trực tiếp và gián tiếp chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm để cứu doanh nghiệp, để hỗ trợ cho người nghèo.

Đây rõ ràng không phải là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Giờ đây, khi giá dầu tuột dốc, nguồn thu của ngân sách nhà nước và một số doanh nghiệp nhà nước tuy giảm, thậm chí là giảm mạnh, nhưng nếu xét trên tổng thể của nền kinh tế thì số tiền đó không mất đi mà chỉ dịch chuyển từ túi của Nhà nước sang túi doanh nghiệp và người dân. Và một điều chắc chắn là tiền trong tay người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Nó sẽ được chuyển hóa thành sức mua cho nền kinh tế, thành đầu tư để tăng hiệu quả và năng lực sản xuất. Một khi kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp có sức sống mạnh mẽ thì Nhà nước cũng nhẹ bớt gánh nặng chi tiêu để cứu doanh nghiệp, để đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật