Tư vấn Mỹ gợi ý Đài Loan phòng thủ bằng du kích chiến của Việt Nam

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để phòng thủ trước một Trung Quốc hùng mạnh, Đài Loan nên bớt lệ thuộc vào các lực lượng thông thường mà cần áp dụng chiến thuật chiến tranh du kích kiểu Việt Nam và chiến tranh mạng, theo gợi ý của một tổ chức tư vấn Mỹ.
Tư vấn Mỹ gợi ý Đài Loan phòng thủ bằng du kích chiến của Việt Nam
Tàu hộ tống tàng hình mang tên lửa Tuo Chiang của Đài Loan

Hãng tin AP ngày 25.12 cho biết báo cáo của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA, một tổ chức tư vấn ở Washington, Mỹ) mới đây cho rằng Đài Loan cần tránh phát triển các lực lượng vũ trang thông thường để đối phó Trung Quốc, vì sự chênh lệch là rất lớn. Thay vào đó, cần áp dụng chiến thuật du kích chiến như của Việt Nam và chiến tranh mạng.

Theo CSBA, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan gần đây có cải thiện, tuy nhiên nhiều người trong Quốc hội Mỹ chỉ trích chính quyền Obama do ngại Trung Quốc nên không bán máy bay chiến đấu mới và tàu ngầm cho Đài Loan.

Tuần trước, Quốc hội Mỹ chấp thuận việc bán 4 tàu hộ tống mang tên lửa lớp Perry đã cũ cho Đài Loan, và bị Trung Quốc chỉ trích. Nhưng Đài Loan cũng đã phát triển công nghiệp quốc phòng riêng của đảo này với việc công bố tàu hộ tống tàng hình mang tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”: chiếc Tuo Chiang (sông Tuo), trị giá 66 triệu USD. Đây là tàu tên lửa lớn nhất, loại tàu hai thân, lượng giãn nước chỉ 500 tấn nhưng dài 60 m, ngang 14 m, tốc độ tối đa 80 km/giờ, tầm hoạt động 3.700 km. Tàu có thể mang 8 quả tên lửa diệt hạm loại Hsiung Feng III có tốc độ siêu âm, dùng diệt tàu sân bay.

Tuy vậy, ngân sách quốc phòng của lãnh thổ Đài Loan năm 2013 là 10,8 tỉ USD trong khi Trung Quốc là 145 tỉ USD.

"Với khoảng cách ngân sách quốc phòng gần 14-1, thậm chí nếu Đài Loan tăng ồ ạt ngân sách quốc phòng cũng sẽ không đảo ngược những ưu thế mà Trung Quốc đã thu được trong hai thập kỷ qua", báo cáo cho biết.

Một ban cố vấn của Quốc hội Mỹ báo cáo vào tháng 11 rằng Trung Quốc có khoảng 2.100 máy bay chiến đấu và 280 tàu hải quân sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Đài Loan, và hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể làm tê liệt lực lượng không quân Đài Loan trong những giờ đầu của cuộc xung đột. Trong khi đó Đài Loan có khoảng 410 máy bay chiến đấu và 90 tàu chiến, một con số quá chênh lệch.

CSBA gợi ý một "cách tiếp cận không đối xứng", theo đó Đài Loan sử dụng lực lượng nhẹ hơn để đối phó sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Đài Loan được Mỹ cung cấp một số tên lửa phòng không Patriot. Các chuyên gia Mỹ gợi ý Đài Loan nên áp dụng chiến thuật du kích chiến về phòng không của miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ bằng cách bố trí thật nhiều tên lửa phòng không - Ảnh: USNI

Chẳng hạn thay vì bỏ chi phí đóng 8 tàu ngầm điện - di‌esel cỡ lớn, Đài Loan có thể sản xuất một hạm đội 42 tàu ngầm cỡ nhỏ, tương đương tàu ngầm mà Triều Tiên và Iran có. Các tàu ngầm này có thể cung cấp các thông tin cảnh báo và các dữ liệu mục tiêu cho các tên lửa hành trình chống hạm được triển khai trên các bệ phóng di động.

Để chống lại các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, báo cáo của CSBA đề xuất chiến thuật "du kích chiến" về phòng không rất hiệu quả của miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ khi sử dụng hàng trăm tên lửa phòng không để chống lại máy bay Mỹ tấn công miền Bắc Việt Nam.

Và nếu các lực lượng của Trung Quốc đổ bộ lên đất liền, Đài Loan nên dùng chiến thuật du kích để phá rối các lực lượng chiếm đóng, làm chậm bước tiến của họ đến Đài Bắc. Báo cáo cũng nói dùng chiến tranh mạng chống lại mạng lưới điều khiển chiến đấu của Trung Quốc sẽ là một trong những răn đe hữu hiệu của Đài Loan và là "chiến lược chi phí áp đặt".

Các tác giả của báo cáo nói rằng phương pháp tiếp cận đối xứng về quốc phòng như thế sẽ giảm sự phụ thuộc của Đài Loan vào vũ khí Mỹ, và đối với các nước láng giềng khác lo ngại về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc cũng nên quan tâm phương pháp này.

Tàu ngầm của Đài Loan, lớp Hai-lang có từ những năm 1980 do Hà Lan đóng - Ảnh: Lực lượng tự vệ biển Đài Loan

Hình ảnh tàu hộ tống tàng hình mang tên lửa Tuo Chiang của Đài Loan ra mắt ngày 23.12.2014 - Ảnh: USNI

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật