“Cánh đồng bất tận” tạo nên cơn “sốt vé“ hiếm hoi của sân khấu kịch

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Cánh đồng bất tận“ (kịch bản, đạo diễn: Minh Nguyệt) đang gây cơn sốt tại sân khấu 5B (TP.HCM). Đêm diễn thứ hai vào tối chủ nhật (22/2) cũng đã cháy vé. Ngay cả chính đạo diễn cũng không thể tìm thêm chiếc vé nào nữa để mời bạn bè. Được biết, sau hai đêm giới thiệu, “Cánh đồng bất tận“ sẽ đợi đến tháng 4, khi nghệ sĩ Thanh Thủy đi nước ngoài trở về mới tiếp tục công diễn.
“Cánh đồng bất tận” tạo nên cơn “sốt vé“ hiếm hoi của sân khấu kịch
Ảnh minh họa

Sân khấu không có phông màn, được cách điệu đơn giản bằng chiếc ghe, cái bục hình tròn và một màn ảnh rộng trải dài theo chiều dài sân khấu với con sông dài mênh mông cùng âm nhạc réo rắt.

 

 

 

Với bốn nhân vật chính: Út Vũ, Nương, Điền và Sương, Cánh đồng bất tận đã mang lại nhiều nỗi niềm với những người đã và chưa từng đọc qua tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

 

 

 

Nội dung vở kịch kể về cuộc sống của ba cha con người chăn vịt lênh đênh trên vùng sông nước mênh mông từ năm này qua tháng nọ. Cuộc sống rày đây mai đó trên chiếc ghe làm hai đứa trẻ cô đơn, thất học, khiến cả ba cha con trở thành người không bình thường.

 

 

 

 

Sau sự ra đi của người vợ yêu dấu, Út Vũ đã không còn tin vào bất kỳ điều gì tốt đẹp. Anh hận đời, hận đàn bà nên lấy cuộc mây mưa với những người phụ nữ khác trả thù đời, để rồi sau đó bỏ rơi họ như vợ anh từng bỏ rơi cha con anh.

 

 

 

Càng lớn Nương càng giống mẹ nên bao nhiêu u uất, nhớ thương, hận thù, Út Vũ trút cả vào đứa con gái. Giận cha, Nương từ chối luôn tiếng gọi cha. Thằng con trai út là Điền thương cha, nhớ mẹ, suốt ngày đêm cứ mơ thấy mẹ. Hai chị em đùm bọc nhau trong cảnh tả tơi vì thiếu tình yêu thương của gia đình.

 

 

 

 

 

Sự xuất hiện của cô gái điếm làm cuộc sống của hai chị em bừng sáng. Sương được hai chị em giúp đỡ khi cô bị đánh ghen dã man, bị vợ của tên đàn ông mua vui trút cả chai keo dán sắt vào cửa mình.

 

 


Có “chị Sương” - cách gọi trìu mến của hai chị em, cuộc sống của Nương và Điền vui hơn. Sương thương hai đứa nhỏ bằng tình thương của người mẹ, người chị. Cô thương cả người đàn ông thô lỗ, cộc cằn lúc nào cũng be bét rượu. Nhưng trong mắt Út Vũ, Sương chỉ là con đĩ.

 

 

 

Hình ảnh người đàn ông trung niên luôn say sưa, lầm lì, mở miệng là chửi rủa lúc nào cũng ám ảnh cô gái điếm. Trong mắt cô, ba cha con Út Vũ cần phải trở lại cuộc sống bình thường của con người.

 

 

 

Sương chịu nhục lăn xả vào Út Vũ, cắn răng chịu đựng khi bị anh mắng mỏ, đánh chửi. Cuộc đời Sương đi làm gái từ năm 13 tuổi, không gia đình, không nhà cửa, bị người đời xua đuổi nhưng trong Sương, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp vẫn mạnh mẽ. Cô tin sâu thẳm trong Út Vũ vẫn còn tình cảm tốt đẹp của con người.

 

Chiếc ghe cứ rong ruổi đưa ba cha con Út Vũ, cô gái điếm và bầy vịt đi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác trong sự mênh mông đến bất tận của xứ sở ruộng đất cò bay thẳng cánh. Sự rong ruổi của nó như thách thức số phận, thách thức vào niềm tin yêu của con người.

 

 

 

Những ngày có Sương, hai đứa nhỏ học được bài học vào niềm tin cuộc sống. Sương gieo vào lòng chúng nỗi khao khát được yêu thương.

 

 

 

Út Vũ tự nhận mình không có xứ sở để khỏi phải trở về làng. Nương cô đơn trong nỗi buồn của đứa con gái vừa trở thành thiếu nữ, Điền đau đáu nỗi nhớ về người mẹ đã xa. Ba tâm hồn lạc loài được tấm lòng nhân ái của cô gái điếm làm hồi sinh sự sống...

 

 

 

Kịch bản của vở diễn Cánh đồng bất tận không khốc liệt như trong tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đạo diễn Minh Nguyệt đã cho Nương đủ mạnh mẽ để tự bảo vệ cuộc đời mình và đứa em trai yếu đuối.

 

 

 

Và người cha, ngay khi bừng tỉnh dậy sau cơn mê dài, đã vùng lên để trở lại cuộc sống con người. Chính lúc ấy thì mũi dao oan nghiệt của tên cướp cạn đã cắt đứt sự trở về của anh nhưng nó mở ra một con đường tươi sáng cho hai đứa trẻ khi anh tin tưởng trao hai con cho người phụ nữ mà anh chỉ gọi là “con đĩ”.

 

 

 

Nương, Điền sẽ được Sương dẫn về làng cũ. Hai đứa trẻ sẽ được học hành, sẽ có bạn bè, có tình thương yêu của bà con xóm giềng. Cái nhìn đau đáu của Út Vũ cùng những giọt nước mắt hiếm hoi lăn dài trước khi ra đi sẽ là hành trang cho ba người ở lại…

 

 

 

 

Các nghệ sĩ tham gia vở kịch gồm có: Khánh Hoàng trong vai Út Vũ, Thanh Thủy trong vai cô gái điếm tên Sương, Cát Phượng đảm nhận hai vai: Nương và người vợ, Hoàng Thành vai Điền… vở kịch dài hai giờ đồng hồ đã mang lại cho người xem những rung cảm tuyệt vời về nỗi cô độc của một kiếp làm người.

VTC

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật