Lớp học không lời

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thay vì lời nói, có lớp học chỉ được giảng dạy, truyền thụ bằng hành động và cử chỉ. Đó là những gì thường thấy ở trường khiếm thính Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội).
Lớp học không lời
Lớp học ít tiếng nói nhưng nhiều nụ cười

Lớp học im ắng không có lời thưa gửi, không có cả tiếng xung phong nhưng lúc nào cũng tràn ngập nụ cười của trẻ nhỏ ngây ngô.Trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính - Hà Nội được thành lập từ năm 1990. Trải qua 24 năm trưởng thành và phát triển, ngôi trường đã chắp cánh cho bao thế hệ trẻ em khuyết tật bước vào đời. Mỗi năm nhà trường đón từ 80 - 100 học sinh, không chỉ ở Hà Nội mà đến từ khắp các tỉnh, thành Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... Vì là lớp khiếm thính nên những bạn không may bị câm, điếc thường được gia đình gửi vào đây học. Khác với những ngôi trường tấp nập nói cười, nơi đây luôn lặng lẽ, yên bình với những bài giảng bằng tay từ lớp vỡ lòng cho đến các lớp lớn hơn đều vậy.

Nhìn các em nô đùa, nhiều thầy cô giáo lần đầu tiên đứng lớp đã không thể kìm lòng. Những gương mặt xinh xắn đáng yêu kia có ai ngờ lại là những em chẳng thể nghe được trọn vẹn những âm thanh tươi vui ngoài cuộc sống. Các em nhìn theo hiệu lệnh của cô, và trả lời cũng bằng cử chỉ. Các thầy cô giáo vừa là giáo viên lại vừa như người mẹ thứ hai truyền đạt cho các con kiến thức, nhưng cũng phải rất ân cần chăm sóc các con từng chút một. Họ luôn phải mỉm cười, luôn nhẹ nhàng và bền bỉ qua các tiết học lặng lẽ từ hôm này qua hôm khác. Bởi dạy trẻ em bình thường đã khó, huống hồ là trẻ điếc, có mắng lớn quát lớn các em cũng chẳng nghe. Bởi vậy, chương trình giáo dục của nhà trường cũng được thực hiện phù hợp với đối tượng học sinh là trẻ điếc. Thầy cô giúp các em sau khi ra trường nếu không có điều kiện tiếp tục học lên bậc trung học, thì cũng có thể đi làm và tạo dựng cuộc sống riêng cho mình.

Giao tiếp bằng tay giữa cô và trò
Trong nhiều năm qua bằng tình thương và sự cố gắng của nhà trường, nơi đây đã là địa chỉ tin cậy của các gia đình không may có con em bị khuyết tật. Họ gửi gắm những đứa con thiếu may mắn của mình vào đây và tin rằng, chính nơi này con họ sẽ được bù đắp lại những cái mà tạo hóa đã lấy đi của chúng. Chúng sẽ không còn cảm thấy thiệt thòi vì cũng nhận được sự chăm lo, yêu thương của gia đình, thầy cô như bao trẻ em khác. Chúng cũng sẽ được học hành, được đi tham quan dã ngoại hàng năm, được giao lưu với các anh chị sinh viên ở các trường đại học trong nội thành Hà Nội. Và họ yên tâm hơn, tự tin hơn để nói rằng con mình vẫn còn gặp nhiều may mắn.
Khác với những học sinh bình thường, những bài giảng ở nơi đây có khi phải thực hiện rất nhiều lần. Bởi những cử chỉ, những nụ cười trong lặng lẽ là đặc trưng của các em. Từ học văn hóa đến học hát, múa các em đều học bằng tay. Giao tiếp với cô, hay với bạn bè cũng đều bằng cử chỉ. Xúc động hơn trong những buổi lễ chào cờ đầu tuần, các học sinh khiếm thính của nhà trường luôn hào hứng với màn hát quốc ca. Các em dùng tay "hát” những ca từ trang nghiêm để thấy yêu đất nước, tự hào hơn vì đất nước. Theo hiệu trưởng nhà trường, các em hát quốc ca bằng tay vì chào cờ đầu tuần là điều bắt buộc với mọi trường học trong cả nước. Các em học sinh khiếm thính cũng vậy. Các em không hát được thành lời thì sẽ phải hát bằng ngôn ngữ riêng của mình là ký hiệu từ đôi tay. Để dạy các em hát được quốc ca, các cô giáo phải rất kiên trì và giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng câu, từng từ. Các em rất hào hứng vì từ trước tới nay luôn mong muốn được hát.
Cô giáo Lê Nga, giáo viên nhà trường chia sẻ: "Mặc dù mới về đây dạy chưa được 1 năm, nhưng tôi rất yêu mến nơi này. Tôi coi các em như con, cháu của mình. Lúc nào cũng mong có thể truyền thụ được hết kiến thức trong các bài giảng và ngoài cuộc sống tới các em”. Không cần phải chứng kiến thật nhiều những bài giảng thầy cô dạy các em trên lớp, ai cũng sẽ hiểu những khó khăn mà các cô hàng ngày phải gánh vác, lo toan. Bởi các em là thế hệ măng non thiệt thòi cần được nhận nhiều hơn nữa sự yêu thương.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật