Chứng khoán 19-12: Sôi động ngày của ETFs

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch rất sôi động do đây là phiên cuối cùng các quỹ ETF phải hoàn tất việc cơ cấu danh mục định kỳ của mình ở quí cuối cùng năm 2014.
Chứng khoán 19-12: Sôi động ngày của ETFs
Ảnh minh họa

Thị trường mở đầu phiên tiếp tục với sắc xanh nối theo phiên tăng mạnh trước đó, dù vậy đà tăng chỉ duy trì trong khoảng 1 tiếng và cả hai sàn bắt đầu giảm dần sau đó.

Sự sôi động bắt đầu ở 15 phút phiên ATC khi hàng loạt các lệnh mua và bán rất lớn được đưa vào thị trường, chủ yếu xoanh quanh các cổ phiếu bị loại bỏ hoặc thêm mới trong đợt review này. Bên bán đã có phần thắng thế hơn và cả hai sàn đều đóng cửa tại gần mức thấp nhất trong ngày.

Cụ thể VN-Index giảm về 523,9 điểm (-1,01%) trong khi HNX-Index dừng phiên tại 81,31 điểm (-1,67%).

Do ảnh hưởng lớn từ việc cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, thanh khoản đã gia tăng rất đột biến ngày hôm nay (chủ yếu tại sàn HSX) và tập trung phần lớn trong 15 phút cuối phiên. HSX có 171 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị 3.358 tỉ đồng (+113%) trong khi HNX có 60,4 triệu cổ phiếu chuyển nhượng với giá trị 780 tỉ đồng (+7,1%).

Diễn biến giao dịch đáng chú ý nhất dĩ nhiên nằm tại các “điểm nóng” về cơ cấu của ETFs. Cổ phiếu SSI, cổ phiếu được cả hai quỹ thêm vào danh mục đã không thể tăng giá khi lượng hàng đặt bán thậm chí vượt trội số lượng mua của ETFs, cổ phiếu này suy giảm mạnh -4,9%. Ở chiều loại bỏ, tác động từ ETFs rõ ràng hơn khi cả ba cổ phiếu bị loại khỏi FTSE đều suy giảm, cụ thể: DRC (-5,0%), VSH (-6,6%), STB (-0,6%).

Khối ngoại có một phiên bán ròng mạnh, dù vậy điều này có thể bị “nhiễu” một phần bởi các giao dịch mang tính thời điểm của các quỹ ETFs. Cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 30 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 290 tỉ đồng. Các mã bị bán ròng đáng kể nhất là: STB (-449 tỉ đồng), MSN (-168 tỉ đồng), FLC (-81 tỉ đồng). Ở chiều mua vào, không có gì ngạc nhiên khi dẫn đầu là SSI (+454 tỉ đồng).

Như đã trao đổi nhiều lần trước đó, dù đà giảm của thị trường đã không còn mạnh như giai đoạn trước và một “điểm cân bằng” có thể sớm được thiết lập, vẫn còn khá sớm để chúng ta bàn về một xu hướng tăng bền vững trong ngắn hạn. Chúng tôi khuyến khích khách hàng chỉ nắm giữ một tỉ trọng cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu trong thời điểm này và chờ đợt một số tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn trước khi giải ngân mạnh trở lại trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật