Ngân hàng và doanh nghiệp: Làm gì để gần nhau hơn?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
DN nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình DN chiếm đa số trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do là nhỏ và vừa, nên những DN này gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là không đủ vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Ngân hàng và doanh nghiệp: Làm gì để gần nhau hơn?
Ảnh minh họa

Và để giải quyết khó khăn này, các DNNVV phải tìm đến sự hỗ trợ của các Ngân hàng.Theo một tài liệu nghiên cứu, chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác. Đã và đang xảy ra một nghịch lý là, DNNVV - người cần vay vốn - và các NHTM - người có tiền cho vay - dường như hai bên vẫn đang "ở hai đầu xa thẳm".

"Tại anh, tại ả”

Câu trả lời trước hết cho câu hỏi vì sao trong quan hệ tín dụng, DNNVV và NHTM, đã và đang "ở hai đầu xa thẳm" là: "tại anh" - các DNNVV và cũng "tại ả" - các NHTM. Không phải là tất cả nhưng có một bộ phận (cũng là một bộ phận không nhỏ) các DNNVV ở nước ta hiện nay đang là "DN 5 không".

Thứ nhất, không có chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong những năm qua, không ít DNNVV ra đời nhằm thực hiện một thương vụ, một dự án hoặc để khai thác một khu mỏ được cấp phép. Vì vậy, "chiến lược kinh doanh dài hạn" là điều mà những DN này không hề nghĩ đến, thậm chí một số DN còn không có cả kế hoạch kinh doanh hàng năm.

Thứ hai, không quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Do không có chiến lược kinh doanh dài hạn, năng lực tài chính yếu nên không ít DNNVV không quan tâm đến xây dựng thương hiệu.

Thứ ba, không có quy chế, quy trình trong quản trị DN. Điều đó thể hiện ở chỗ, khá nhiều DN quản trị theo phương thức thuận tiện, thiếu quy định rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cán bộ quản lý, các bộ phận chuyên môn trong DN.

Thứ tư, không có thói quen tôn trọng các quy định của Pháp Luật. Chẳng hạn, biết là bán hàng không phát hành hoá đơn, để doanh thu ngoài sổ kế toán và báo cáo tài chính, sử dụng lao động nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc; không thực hiện nghĩa vụ thanh toán... là vi phạm Pháp Luật nhưng nhiều DN vẫn "vô tư" thực hiện.

Thứ năm, không minh bạch. Tình trạng lập hai đến ba sổ kế toán và báo cáo tài chính với số liệu khác nhau là phổ biến. Tình trạng không minh bạch đã dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và một số DNNVV đã phải giải thể vì lý do này.

Cần phải khẳng định rằng, không phải 100% DNNVV ở nước ta hiện nay đều là "DN 5 không". Nhưng với những "DN 5 không" thì thử hỏi: NHTM nào dám cho vay kể cả khi có tài sản thế chấp? Bởi, không phải tài sản thế chấp nào của DN cũng có thể dễ dàng bán để thu hồi vốn cho vay khi phát mại tài sản? Và, do đó, việc cho vay tín chấp lại là.... "mơ về nơi xa lắm"!

Nhưng ngân hàng cũng cần xem lại.

Trước hết, cần xác định xem mong muốn cho vay được vốn của các NHTM có là thực hay chỉ là lời tuyên bố? Hơn nữa, các NHTM hiện nay có thực sự hướng tới việc cho vay đối với các DN phục vụcho sản xuất, kinh doanh hay chỉ tập trung vào thị trường trái phiếu bởi có đến 80% số khách hàng mua trái phiếu chính phủ là các NHTM? Tại sao các NHTM không xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho vay riêng đối với các DNNVV?

Các DN nói chung, trong đó có các DNNVV, luôn luôn than phiền rằng, thủ tục cho vay vốn của các NHTM là quá phức tạp, phiền hà. Và, ở đâu đó, cán bộ tín dụng của NHTM còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đòi phải có "lãi suất ngoài hợp đồng" hay còn gọi là "lãi suất dưới gầm bàn"! Đó cũng là rào cản không kém phần quan trọng trong quan hệtín dụng giữa các DNNVV với các NHTM.

Trách nhiệm và giải pháp

Trong những năm qua, Chính phủ đã đề ra khá nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV ở các lĩnh vực. Chẳng hạn, theo "Sách hướng dẫn chương trình hỗ trợ DNNVV" do Cục phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành, cho đến nay, đã có 38 chương trình hỗ trợ DNNVV được ban hành, trong đó có 14 chương trình hỗ trợ về quản lý và thông tin; 15 chương trình hỗ trợ về phát triển công nghệ; 09 chương trình hỗ trợ về thuế và tài chính. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế của các chương trình hỗ trợ nêu trên lại rất... khiêm tốn.

Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ DNNVV đều được ban hành bởi các văn bản dưới luật. Do đó, hiệu lực Pháp Luật không cao. Mặt khác, nạn tham nhũng và thái độ hành xử vô cảm của một bộ phận trong đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động, sự kết hợp của ngân hàng và DN.

Có thể khẳng định rằng, để các DNNVV và các NHTM "xích lại gần nhau" hơn trong quan hệ tín dụng phải bắt đầu từ việc xoá bỏ những rào cản đã nêu ở phần trên. Điều đó có nghĩa là, các DNNVV, các NHTM và Nhà nước đều phải có những thay đổi đồng bộ và kịp thời.

Trước hết, các DNNVV cần chấm dứt tình trạng "5 không". Về phía các NHTM: Cần có chiến lược nuôi dưỡng các DNNVV để tạo nguồn cho thị trường tín dụng trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn cả là vai trò của Nhà nước. Quốc hội cần thường xuyên có hoạt động giám sát tối cao về thực trạng của các DNNVV, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược toàn diện về phát triển DNNVV ở Việt Nam. Đồng thời, cần xúc tiến việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Chính phủ cần có những biện pháp có hiệu lực để đưa các chương trình hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống. Chúng ta có quá nhiều Chương trình hỗ trợ, do đó nguồn lực bị dàn trải và không chương trình nào được thực hiện đầy đủ, tác động rất hạn chế. Xin đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hai Chương trình sau:

Thứ nhất, chương trình "hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa".

Thứ hai, khẩn trương thành lập và đưa vào hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg "Ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV". Tuy nhiên, theo Quy chế này, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng sẽ khó có thể hình thành và hoạt động để hỗ trợ cho các DNNVV trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các NHTM. Bởi lẽ, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn của quỹ này vẫn chưa được giải quyết. Tất nhiên, việc đầu tư hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng từ Trung ương đến các địa phương cần được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm Pháp Luật cao hơn, đó là: Luật bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật