Thời khó vẫn “nặng tay” vay… Bà Chúa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những hình ảnh khệ nệ bưng lễ vào Đền bà Chúa Kho đầu năm dường như đem đến cảm giác “khác màu” với sự hình dung về suy giảm kinh tế ở thực tại. Nhiều người dân vẫn mạnh dạn tính toán vay để đầu tư trong thời buổi được coi là khủng hoảng này.
Thời khó vẫn “nặng tay” vay… Bà Chúa
Đi "vay" ai cũng tâm trạng
Cậy nhờ sự ủng hộ của Bà Chúa
Cho đến những ngày này dòng người vẫn nườm nượp đổ về Đền bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Bắc Ninh. Tại lối lên đền, lúc lúc lại xuất hiện cả hàng người bưng những mâm lễ đầy ắp trên vai, trên đầu, lách khéo qua dòng người đông đúc…

Anh Thắng ở Long Biên, Hà Nội bật mí, đầu năm trước, hai vợ chồng anh đi vay bà Chúa Kho một khoản “kha khá” so với thực tiền nhà anh có để đầu tư vào một cửa hàng vật liệu xây dựng. Tuy giai đoạn cuối năm làm ăn có đôi chút khó khăn, nhưng tính chung cả năm là “hài lòng”.

Cuối năm rồi, hai vợ chồng đã làm đủ “thủ tục” lên trả nợ. Năm nay, anh dự định một mặt vẫn túc tắc với cửa hàng vật liệu xây dựng, mặt khác, muốn mở rộng đầu tư sang một lĩnh vực mới nên tiếp tục nhờ cậy Bà Chúa. Với quan niệm, làm ăn phải “kín”, anh không muốn tiết lộ cụ thể về số tiền vay năm nay, chỉ “hé” một chút là lớn hơn năm ngoái.

Anh Thắng chia sẻ: “Ai cũng biết năm Kỷ Sửu khó khăn hơn nhiều so với năm Mậu Tý, nhưng dù gì vẫn phải đầu tư vì chắc chắn vẫn phải có cửa nào đó cho người làm ăn”. Người đàn ông này lạc quan, năm trước mình đã may mắn, năm nay hi vọng với sự ủng hộ “vật lực, tinh thần” của Bà Chúa, việc làm ăn sẽ tiếp đà thăng tiến!

Lễ lớn, lễ nhỏ - người vay nhiều, kẻ vay ít
 
Dẫn theo hai người khệ nệ bê lễ từ Đền ra, chị Thiết ở Lê Chân, Hải Phòng chia sẻ, chị đã đi bà Chúa Kho nhiều năm, nhưng chỉ xin lộc rơi, lộc vãi. Năm nay, chị muốn hợp lực với một người bạn làm ăn nên đã chuyển “xin” thành “vay” để có sức đầu tư.
 
Quan niệm, “không làm, không ăn”, nhưng chị Thiết cũng cho rằng, những người kinh doanh thường có “chút chút” gì đó duy tâm. Việc vay tiền âm với chị là để có cảm giác yên tâm hơn trong việc làm ăn!

Mỗi người đều có toan tính làm ăn riêng dù không phải ai cũng có thể chia sẻ với người khác. Chỉ biết rằng, tất cả phải trình bày cụ thể với Bà Chúa mà nhiều khi sự đề đạt bằng lời không hẳn nhỏ nhẹ. Đứng trong Đền, có thể nghe được rất nhiều những lời lầm rầm khấn vái, toan tính đầu tư trong năm mới này.

“Sức vay” vẫn tăng

Những mâm lễ của người vay được bày chủ yếu là giấy tiền, vàng mã, hương hoa, tiền thật (loại tiền lẻ mệnh giá 500đ, 1.000đ, 2.000đ là chủ yếu) và những xấp đôla âm phủ mệnh giá mỗi tờ là 100USD, tương đương khoảng 1,7 triệu đồng tiền thật nếu quy đổi kiểu “trần sao âm vậy”.

Chị Lanh, một người sắp lễ bên lối vào Đền bà Chúa Kho cho biết, số lượng người đặt sắp lễ để vay năm nay còn nhiều hơn năm trước. Cụ thể, theo chị, cứ 50 người đến Đền năm nay, số người có nhu cầu vay khoảng 15 người, trong khi con số của năm trước chỉ khoảng 10 người.

Mức “trần” vay thể hiện qua việc sắp lễ tại ki ốt của chị Lanh là 17 tỉ đồng. Đơn vị đứng ra vay số “vốn”  này của Bà Chúa Kho là một công ty nhà đất tại Hà Nội. Chi phí sắp lễ để vay số tiền khổng lồ trên lên đến cả chục triệu đồng (tiền thật).

Xin lộc rơi, lộc vãi, trình bày "phương án" làm ăn với Bà Chúa

Số tiền công ty nhà đất này vay vượt hơn 7 tỉ so với “kỉ lục” năm trước tại ki ốt của chị Lanh. Về kỉ lục cá nhân vay năm nay thông qua sắp lễ tại nhà chị Lanh cũng lên đến 3 tỉ đồng.

Anh Phong, chồng chị Lanh cho biết thêm, vay vàng lớn nhất thể hiện qua sắp lễ tại nhà anh là 1.000 cây vàng. Tuy nhiên, theo anh Phong con số này khiêm tốn hơn nhiều so với một số lễ đã được sắp tại một số ki ốt khác gần lối lên Đền. “Có đoàn đội lễ đến hơn chục người, mâm nào vàng mã cũng xếp cao vót, tính sơ sơ cũng phản đến 5-6 ngàn cây vàng chứ chẳng chơi”, anh Phong cho biết.

Dĩ nhiên, vẫn có những người đi nhiều cây số đến Đền Bà chỉ để vay những số tiền nhỏ, thậm chí chỉ 10-12 triệu đồng. Theo chị Lanh, những người vay nhỏ như vậy rất ít, chủ yếu là những người đi chợ, làm ăn không cần vốn lớn… Lượng tiền vay phổ biến nhất là từ 100 triệu đến 1-2 tỉ.

Chị Lanh cho biết, qua “khai báo” tại ki ốt của chị, năm nay dường như không gặp người vay đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, ki ốt bên cạnh có một khách vay chứng khoán, thời gian vừa qua lên Đền Bà Chúa đều đặn mỗi tháng 2 lần. Người này vay theo tháng, cứ đầu tháng sắp lễ vay, cuối tháng lại lên trả, cả năm 24 lần đi lại…

DT


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật