Đức kêu gọi NATO lập đường dây nóng với Nga

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để đề phòng nguy cơ xảy ra bất kỳ sự cố quân sự nào có thể vượt tầm kiểm soát, mới đây ngoại trưởng Đức kêu gọi NATO lập đường dây nóng với Nga.
Đức kêu gọi NATO lập đường dây nóng với Nga
Tổng thư ký NATO Stoltenberg tại cuộc họp báo

Hiện mối quan hệ giữa 28 nước thành viên NATO với Nga xuống mức thấp nhất-như thời chiến tranh Lạnh - do phương tây cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào đông Ukraine và sáp nhập Crimea vào Nga. Moscow luôn phản đối các cáo buộc này.

Cả Nga và NATO đều tăng cường những cuộc tập trận, các chuyên gia nói tàu chiến và máy bay Nga thường xuyên tuần tra khắp châu Âu làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hoặc tai nạn.

Về việc Đức kêu gọi NATO lập đường dây nóng với Nga, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier của Đức hôm 2.12 nói: có rất ít khả năng hai bên trao đổi thông tin về những cuộc tập trận và những chuyến bay tuần tra.

"Tôi cho rằng chúng ta phải dè chừng một cuộc xung đột có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, và dẫn đến một sự leo thang quân sự. Chúng ta cần một số kênh liên lạc để kiểm tra một số thông tin có đúng hay không”, ông nói tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng NATO.

Đại sứ các nước NATO và Nga chỉ gặp nhau hai lần từ sau vụ sáp nhập Crimea. Một nhà ngoại giao nói vài nước, gồm Pháp, Đức và Ý đều ủng hộ một đề xuất: sử dụng Hội đồng NATO - Nga hiện hữu làm một cơ chế tránh leo thang quân sự.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói bất đồng giữa Nga và phương tây về Ukraine có thể kéo dài, mọi sự sẽ không trở lại bình thường sau một thời gian ngắn.

Ông nói tại cuộc họp báo: “NATO không muốn đối đầu với Nga và NATO không muốn một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Nhưng chúng ta không thể nhượng bộ trên những nguyên tắc mà an ninh và hòa bình châu Âu đặt làm nền tảng từ hàng chục năm nay”.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 2.12 nói tại một hội thảo kinh tế do nhật báo Hospodarske Noviny tổ chức, rằng có nhiều nguy cơ nội chiến Ukraine sẽ lan thành một cuộc xung đột lớn liên quan nhiều nước, chứ không riêng giữa Ukraine và Nga với nhau:
“Khả năng xung đột quân sự là 70%. Nay tôi đang nói về một cuộc xung đột quân sự lớn, tôi không nói về một cuộc xung đột Nga - Ukraine”.

Ông nói tình hình Ukraine vẫn bất ổn và có thể bùng ra khỏi các vùng Ukraine giáp Nga, và EU đang giữ một vai trò “hạng ba” trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình ở đông Ukraine.

Ông nói thêm: tương lai Ukraine là một vấn đề địa-chính trị giữa Nga và Mỹ. Nhưng tất cả các bên đều liên quan, gồm EU, trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình.

Thủ tướng Fico nói: “Nếu bất kỳ ai ở châu Âu sẵn sàng nhận vai trò tác tạo hòa bình, thì chính phủ Slovakia cũng phải tham gia với họ”.

Ông nói bất kỳ thương lượng nào về tương lai Ukraine cũng phải để ngỏ cửa cho Ukraine gia nhập EU, sau khi họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn gia nhập.

Nhưng Ukraine phải không gia nhập NATO để ngăn chặn “những khiêu khích không cần thiết”.

Nga luôn phản đối NATO mở rộng biên giới quá khỏi các nước thành viên miền đông Âu như các nước vùng biển Baltic và Slovakia.

NATO liên tục khẳng định họ không có kế hoạch can thiệp vào Ukraine, vốn không phải là thành viên NATO, nhưng NATO đã tăng viện quân cho các đồng minh đông Âu vốn sợ Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật