Liệu có lãng phí?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều chuyên gia lo ngại khoản tiền 9 tỷ USD để nâng cấp mạng Internet băng rộng của Mỹ sẽ trở nên lãng phí bởi kế hoạch ứng dụng chưa được nghiên cứu kỹ.
Liệu có lãng phí?
Cải thiện mạng Internet liệu có giúp cho nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng?

Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lại chứng tỏ mình là một vị "Tổng thống công nghệ" khi đã quyết định dành tới 9 tỷ USD trong gói kích thích nền kinh tế trị giá gần 800 tỷ để đầu tư vào nâng cấp và cải thiện hệ thống mạng Internet băng rộng của nước Mỹ. Nhưng có điều chính kế hoạch này của ông lại đang nhận được không ít ý kiến phân vân hoặc phản đối từ các chuyên gia công nghệ. Nguyên nhân vì đâu?

"Bắc cầu" về nơi xa lắm?

Thoạt tiên, mục đích của kế hoạch này xem ra không có gì đáng phải bàn cãi bởi việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho lĩnh vực công nghệ sẽ là giải pháp để kích thích nền kinh tế một cách khá hữu hiệu. Theo lời của Tổng thống Obama, chỉ với 9 tỷ USD đầu tư vào mạng Internet băng thông rộng, nước Mỹ sẽ có thêm hàng trăm ngàn việc làm ngay sau đó, tạo cơ sở vững chắc cho nhiều ngành kinh tế, dịch vụ và cả giáo dục phát triển mạnh mẽ, đồng thời nó cũng hiện thực hóa một trong những cam kết mà ông đã đưa ra trong các chiến dịch tranh cử của mình: Đưa kết nối Internet về tới từng "ngóc ngách" của nước Mỹ. Nhưng nhiều chuyên gia về lĩnh vực Internet đã không ngần ngại cho rằng "chiếc cầu" trị giá 9 tỷ USD của ông sẽ chẳng nối được bến bờ nào. "Nguyên tắc đầu tiên của việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ là bạn phải bỏ thời gian để nghiên cứu và hiểu được người dùng cuối. Bạn phải biết họ cần cái gì, và họ dùng công nghệ trong hoàn cảnh nào và để làm gì?", Craig Settles - một chuyên gia phân tích công nghệ và là người nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực Internet phát biểu, "Nếu bạn chưa làm tốt công tác này, bạn sẽ "quẳng đi" hàng triệu, trong trường hợp này là hàng tỷ USD mà không mang lại lợi ích gì bởi bạn đang tiêu tiền vào thứ mà người dân không cần hoặc chưa cần đến".

Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của các chuyên gia công nghệ Mỹ, lợi ích của việc mở rộng mạng lưới Internet tốc độ cao là điều không cần phải bàn cãi nhưng có điều nước Mỹ cần phải đợi đến ít nhất là năm 2015 mới có thể thu hái được những thành quả đầu tiên. Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng xuống dốc không phanh như hiện nay, đây là quãng thời gian chờ đợi không thể chấp nhận được. "Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang xây một chiếc cầu quá dài trong khi đang cần đến chỗ làm gấp", Craig kết luận.

Vẫn cần nhưng….

Tuy vậy, không phải ai cũng phản đối kế hoạch này của ông Obama, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ nhưng với một điều kiện: Khoản tiền đầu tư phải lớn hơn nữa mới có thể phát huy tác dụng. "Tôi nhận thấy có một sự đổi mới trong tư duy kích thích kinh tế của Chính phủ. Khoản tiền 9 tỷ là rất đáng giá nhưng để có thể xây dựng được một mạng Internet siêu tốc cho nước Mỹ, chúng ta cần khoảng 100 tỷ cùng với nhiều điều kiện khác nữa", Brett Glass - nhà sáng lập của Lariat.net, hãng cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất bang Wyoming phát biểu. Với những ông chủ của các hãng dịch vụ, việc có được một "siêu xa lộ" thông tin đáng giá hơn bất kỳ sự rủi ro nào. "Băng rộng sẽ tạo ra một sự cân bằng tương đối giữa các vùng nông thôn và thành thị", Mike McIntyre - hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang Bắc Carolina đồng thời là chủ tịch ủy ban phát triển nông thôn phát biểu. Theo Mike, việc có được kết nối Internet băng rộng sẽ giúp cho không chỉ các doanh nghiệp mà còn có cả các trường học hay bệnh viện với khả năng kết nối với các trung tâm y tế, giáo dục lớn ở cách họ hàng trăm km.

Một vài chuyên gia công nghệ khác lại cho ý kiến rằng nếu đầu tư quá dàn trải (9 tỷ USD cho cả mạng không dây và có dây) sẽ không thể mang lại kết quả gì. "Họ đang nhắm đến các khu vực nông thôn nhưng điều cần thiết là họ phải chắc chắn rằng khoản tiền bỏ ra sẽ đến được nơi cần đến", Ben Scott, Giám đốc chính sách của Trung tâm Báo chí tự do phát biểu, "Thêm vào đó, nếu cứ tiếp tục ngồi và tranh cãi với nhau việc nên hay không nên để rồi phải sang đến năm sau, hoặc lâu hơn nữa các kế hoạch này mới được thực thi thì cơ hội đã qua đi và lãng phí sẽ vẫn là lãng phí".

Thượng nghị sỹ bang Nebraska, Ben Nelson thì có ý kiến cho rằng chính phủ không nên quá cầu toàn trong việc đầu tư cho mạng Internet băng rộng. "Chúng ta không thể ngồi đợi một công nghệ hoàn hảo trong khi có biết bao nhiêu lợi ích còn đang ở trước mắt", Ben Nelson kết luận.

The New York Times, Business Week

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật