Khuyến khích sản xuất trong nước để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 28-11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường- Bộ Công Thương tổ chức Lễ Kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29-11“ năm 2014.
Khuyến khích sản xuất trong nước để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Phó Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo tại buổi lễ.Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam Lê Thế Bảo cho biết, hàng giả, hàng nhái, hành kém chất lượng xuất hiện rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, len lỏi trong các đô thị, siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Các mặt hàng này khá đa dang về chất lượng, chủng loại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản, thuốc tăng trọng, các loại phân bón giả NPK, hàng điện tử… Nguồn hàng giả từ nước ngoài vào Việt Nam chiếm 60%. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng, rồi gắn mác “Made in Việt Nam” để tiêu thụ, các nguyên vật liệu đều do nước sản xuất cung cấp.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Thế Bảo cho biết, trước tiên cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc phát hiện, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần cải cách hành chính trong hoạt động chống buôn lậu về chế tài, biểu mẫu, tăng cường kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Đại diện cho các doanh nghiệp tham dự buổi lễ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Inova Pharma Bùi Phan Ngọc Trinh cho biết: Công ty Inova Pharma là một trong 8 công ty thuộc Tập đoàn Inova có trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty chuyên kinh doanh sản xuất thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc thú y không rõ nhãn mác, nguồn gốc, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa thiếu sự kiểm soát của các ban, ngành chức năng. Sản phẩm do Công ty sản xuất đã bị làm giả, làm nhái nhãn hiệu được bày bán công khai tại một số khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Bà Bùi Phan Ngọc Trinh kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý tại các địa phương; thường xuyên kiểm tra các điểm bày bán không có giấy phép kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan quản lý có biện pháp giám sát nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ngăn chặn kịp thời hàng tiêu thụ kém chất lượng, giúp đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết:  Riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 300 triệu USD, 100% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Công ty Tôn Hoa Sen hiện đang phải đối mặt với một “quốc nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Các loại hàng hóa trên làm hạn chế sản xuất trong nước, phá hoại nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu Việt cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ trách nhiệm, tìm ra những cách làm phù hợp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để công tác chống hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả, các lực lượng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thể hiện rõ vai trò của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam để người dân, các hộ kinh doanh không bao che, tiếp tay, không mua bán, sử dụng hàng giả, hàng nhái. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ giúp người dân nhận biết hàng giả. Đồng thời, nơi nào để hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần củng cố các lực lượng chủ công chống hàng giả, hàng nhái đủ mạnh, đủ khả năng chống lại sự mua chuộc của kẻ xấu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Trong đó, các lực lượng: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế, Biên phòng, Cảnh sát biển cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đối với thị trường trong nước có hai lực lượng chủ công chống hàng giả, hàng nhái là Quản lý thị trường, Công an.

Để làm tốt nhiệm vụ, các lực lượng phải có phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ chuyên sâu; trang bị phương tiện hỗ trợ; có chính sách cho từng người dân phát hiện hàng giả, hàng nhái… Bên cạnh việc biểu dương thành tích của các lực lượng, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che cho các hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Căn cứ vào từng thời điểm, tính chất tiêu thụ trên thị trường của từng mặt hàng cụ thể, các lực lượng xây dựng phương án đấu tranh hiệu quả.

Khuyến khích sản xuất trong nước với những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, mở rộng mạng lưới phân phối rộng khắp giúp đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 từ trung ương đến các địa phương, nhất là 2 trung tâm lớn: Hà Nội và TP.HCM, các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc rà soát, sửa đổi các văn bản Pháp Luật không còn phù hợp tạo kẽ hở cho sản xuất hàng giả, hàng nhái phát triển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật